Theo Economist, những chiến đấu cơ của Nga và Ukraine đang sử dụng kỹ thuật "lỗi thời" để ngắm bắn tên lửa không có hệ thống dẫn đường. Thay vì cách hiện đại là bắn 2 tên lửa một lần từ phía trên mục tiêu, các phi công ở Ukraine lại bay thấp hơn trước khi tăng độ cao rồi phóng toàn bộ tên lửa một lúc. Phương thức này được gọi là "bắn hất".
Kỹ thuật bắn hất được phát triển vào những năm 1940 bởi Không quân Mỹ, khi họ muốn sử dụng một quả bom nguyên tử để tấn công mục tiêu mà không cần phải bay thẳng qua nó. Phi công sẽ cho máy bay di chuyển từ dưới lên rồi thả bom theo đà hướng lên của máy bay, trọng lực sẽ làm nốt phần còn lại khi kéo những quả bom tới khu vực chỉ định, trong khi máy bay rời đi một cách an toàn.
Kỹ thuật bắn hất đã được các phi công trên khắp thế giới áp dụng. Dù các thế hệ chiến đấu cơ sau này đã không còn phải lo việc bị tổn hại bởi chính vũ khí mình mang theo, bắn hất vẫn giúp cho các phi công ở ngoài tầm với của đối phương. Một ví dụ tiêu biểu là việc Không quân Isarel đã dùng kỹ thuật này để tránh hệ thống tên lửa đất đối không của Ai Cập và Syria trong trận Yom Kippur 1973.
Ở thời điểm hiện tại, Không quân Nga và Ukraine vẫn đang sử dụng kỹ thuật này để giảm thiệt hại lên các chiến đấu cơ. Kỹ thuật này cũng phù hợp với loại tên lửa được sử dụng phổ biến nhất là S8-80mm, vốn được sản xuất từ những năm 1970 và dĩ nhiên không có hệ thống hành trình.
Tên lửa S8 có chiều dài 1,5m và nặng 11kg, được thiết kế để có thể xuyên thủng xe bọc thép hoặc xe tăng. Tầm bắn tối đa của S8 theo lý thuyết là 4km, nhưng nếu bắn hất thì khoảng cách có thể gia tăng lên gấp đôi, trong khi vẫn cho phép các máy bay di chuyển ở ngoài tầm với của các hệ thống phòng thủ thông dụng. Tuy vậy, kỹ thuật này có độ chính xác không cao, do quỹ đạo rơi của tên lửa bị tác động bởi quá nhiều yếu tố bên ngoài, nên thường phi công sẽ xả toàn bộ tên lửa trong một lần, thay vì bắn từng cặp một cách tiết kiệm.
Từ lâu, Không quân Mỹ và các nước NATO đã chuyển sang dùng tên lửa dẫn đường thay vì các mẫu cũ như S8. Đơn cử là máy bay trực thăng AH-64 Apache của Mỹ mang được 16 tên lửa Hellfire, có hệ thống dẫn đường bằng laser với tầm bắn lên đến 11km, chưa nói tới những chiến đấu cơ như F-18 hoặc F-35. Thực tế, Nga và Ukraine cũng có một số loại tên lửa hành trình, chẳng hạn là Vikhr, nhưng chúng được sử dụng rất hạn chế.
Với những nhược điểm của việc bắn hất, quân đội Ukraine gần đây đã nghĩ ra một phương án phù hợp hơn để sử dụng số tên lửa S8 của họ. Theo đó, họ sử dụng các xe bọc thép để trang bị một hệ thống phóng tên lửa của máy bay, dĩ nhiên nó không thể hiệu quả bằng các xe phóng tên lửa chuyên dụng, nhưng chắc chắn tiết kiệm hơn mang lên trên bầu trời. Suy cho cùng, kỹ thuật bắn hất vốn lấy số lượng thắng chất lượng.
Dĩ nhiên, những gì mà phi công 2 bên mong muốn nhất là các tên lửa hành trình hiện đại, có thể đảm bảo độ chính xác một khi đã khóa mục tiêu. Nhưng trừ khi các đồng minh phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa này, hay Nga tăng cường sản xuất, các phi công vẫn sẽ tiếp tục rải tên lửa từ trên xuống và hi vọng chúng sẽ đánh trúng mục tiêu.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)