Sức tàn phá của sóng thần tấn công bờ biển Indonesia
Ông thông tin thêm, một báo cáo từ Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), trận sóng thần xảy ra vào tối 22.12 có khả năng là do một đợt sạt lở đất dưới nước do hoạt động của núi lửa Anak Krakatau gây ra kết hợp với thủy triều cao trong kỳ trăng tròn.
Trong thông cáo báo chí, BMKG cho hay, sóng thần đã tấn công các khu vực ven biển phía tây Banten và nam Lampung lúc 21h27 ngày 22.12.
Trước đó, trong tối cùng ngày, BMKG cho hay, thảm kịch không phải sóng thần mà là sóng thủy triều cao.
Đến nay, số người chết vì sóng thần được xác nhận là 222 người, hơn 800 người bị thương và hàng chục người mất tích.
Ít nhất 585 ngôi nhà đã bị phá hủy, 9 khách sạn bị hư hỏng nặng, 60 nhà hàng và 350 chiếc thuyền bị hư hại. Bờ biển phía tây Banten là một điểm du lịch nổi tiếng. Nhiều nạn nhân là những du khách.
Các khu vực ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất do sóng thần là tại Pandeglang, Serang và Nam Lampung.
Tại Pandeglang, hầu hết các thương vong xảy ra tại khách sạn Mutiara Carita Cottage, khách sạn Tanjung Lesung và làng Sambolo.
"Theo dữ liệu sơ bộ, không có người nước ngoài thương vong, chỉ có người Indonesia" - ông nói.
Ông Sutopo cho biết, BMKG, Viện Địa chất, cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT) và Bộ Hàng hải đang tiếp tục điều tra để xác nhận sóng thần có phải do hoạt động núi lửa của núi lửa Anak Krakatau hay không.
Theo Hải Anh (Lao Động)