"Nguy cơ xảy ra thêm sóng thần ở eo biển Sunda vẫn rất cao khi núi lửa Anak Krakatau đang trải qua giai đoạn hoạt động mạnh. Nó đang trở nên bất ổn sau đợt phun trào mạnh, có thể tạo ra thêm nhiều trận lở đất dưới lòng biển", AFP dẫn lời Richard Teeuw, chuyên gia địa chất tại đại học Portsmouth của Anh, hôm qua cho biết.
Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung vào tối 22/12, khiến 222 người chết và 843 người bị thương, trong khi 28 người vẫn đang mất tích. Núi lửa Anak Krakatau được đánh giá là nguyên nhân gây thảm họa, do nó phun trào chỉ 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.
Teeuw cho rằng chính quyền Indonesia cần lập bản đồ địa hình đáy biển xung quanh núi lửa Anak Krakatau để dự báo nguy cơ lở đất, nhưng quá trình này sẽ cần nhiều tháng để lên kế hoạch và thực hiện.
Trận sóng ập vào Indonesia hôm 22/12 được nhận xét là tương đối nhỏ nếu so với sóng thần do động đất dưới đáy biển gây ra. "Tuy nhiên, nó đặc biệt nguy hiểm vì gần như không có dấu hiệu cảnh báo. Những cơn sóng thần như vậy cũng thường cuốn theo nhiều đất đá và mảnh vụn, tăng sức phá hoại với những thị trấn ven biển", Teeuw nói thêm.
Simon Boxall, nhà nghiên cứu thuộc đại học Southampton ở Anh, cho rằng thiệt hại nặng nề ở Indonesia một phần do sóng thần diễn ra trùng thời điểm triều cường. "Dường như nó tấn công một số vùng bờ biển đúng lúc thủy triều lên cao nhất và làm trầm trọng thêm thiệt hại. Cơn sóng cũng xảy ra vào buổi tối, khiến nhiều người dân bị bất ngờ", Boxall nhận xét.
Nhà chức trách Indonesia trước đó cũng cảnh báo sóng thần có thể tiếp diễn, khuyến cáo người dân và du khách tránh xa những vùng bờ biển hướng ra núi lửa Anak Krakatau. Họ cũng thừa nhận lúng túng trong việc cảnh báo sóng thần, vì thảm họa không do động đất gây ra như thông thường.
Anak Krakatau (Con của Krakatao) là một trong 127 núi lửa hoạt động ở Indonesia, xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatoa và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây đảo Java 80 km và bắt đầu hoạt động từ hồi tháng 6.
Theo Vũ Anh (VnExpress.net)