Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã hoàn thiện danh sách nội các mới (2025-2029) với nhiều bất ngờ so với nhiệm kỳ trước (2017-2021) khi số lượng tỷ phú USD làm bộ trưởng ít hơn hẳn. Tuy nhiên, vẫn có tỷ phú đầu tư Scott Bessent là Bộ trưởng Tài chính, tỷ phú mê tiền số Howard Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại và tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk làm “bộ trưởng” Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) dù không ăn lương và DOGE không nằm trong nội các.
Chọn tỷ phú vào nhiệm vụ quan trọng
Hôm 22/11, ông Donald Trump có thông cáo đăng trên mạng Truth Social (mạng xã hội do ông Trump lập ra) chọn tỷ phú đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong chính quyền mới.
Ông Scott Bessent chưa nằm trong danh sách tỷ phú USD của cả Bloomberg và Forbes nhưng được truyền thông quốc tế thừa nhận rộng rãi là một tỷ phú USD. Bessent từng là giám đốc đầu tư cho quỹ của tỷ phú George Soros với nhiều thương vụ nổi tiếng.
Theo Bloomberg, Bessent đã kiếm được khoảng 10 tỷ USD lợi nhuận cho ông trùm tài chính Soros. Trong số những khoản cược lớn của ông có một khoản cược đồng bảng Anh và yên Nhật, mang đến khoản lợi nhuận cả tỷ USD mỗi thương vụ. Sau đó, Bessent sáng lập ra quỹ bảo hiểm rủi ro Key Square Group.
Scott Bessent tin rằng ông Trump mở ra "một kỷ nguyên vàng" cho Mỹ liên quan đến dỡ bỏ quy định để có năng lượng giá rẻ và mức thuế thấp. Bessent cũng có ưu tiên hàng đầu là cắt giảm thuế.
Nhưng nổi bật nhất có lẽ là Elon Musk. Dù không chính thức nằm trong nội các nhưng ông chủ hãng xe điện Tesla vẫn được coi là “bộ trưởng”.
Elon Musk là tỷ phú giàu nhất hành tinh, với khối tài sản lên mức 334 tỷ USD tính tới ngày 25/11. Tài sản của Elon Musk đạt kỷ lục hôm 22/11 với gần 350 tỷ USD nhờ cổ phiếu Tesla tăng giá khoảng trên 40% sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tỷ phú công nghệ này đã chi khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ cựu tổng thống trở lại Nhà Trắng.
Ông Trump cũng chọn ông Doug Burgum, từng là một doanh nhân phần mềm làm Bộ trưởng Nội vụ. Nếu được thông qua, Burgum sẽ giám sát một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và bảo tồn đất đai và tài nguyên thiên nhiên của liên bang.
Ông Chris Wright - người sáng lập kiêm CEO của Liberty Energy - được chọn làm Bộ trưởng Năng lượng. Giám đốc điều hành công ty tài chính Cantor Fitzgerald - Howard Lutnick được chọn để lãnh đạo Bộ Thương mại. Howard Lutnick là một tỷ phú và có quan điểm cho rằng Bitcoin nên được giao dịch như vàng…
Bản thân ông Trump cũng là tỷ phú, với khối tài sản tính tới 25/11 là 5,6 tỷ USD.
Tín hiệu gì từ nội các mới?
Có thể thấy, trong nhiệm kỳ 2, ông Trump có lựa chọn đa dạng hơn cho nội các.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã lập nên một nội các giàu nhất lịch sử Mỹ với việc chọn nhiều tỷ phú, triệu phú vào chính phủ. Bản thân ông Trump khi đó có tài sản khoảng 3,7 tỷ USD.
Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos có tài sản hơn 5 tỷ USD. Bộ trưởng Thương mại khi đó Wilbur Ross có tài sản 2,5 tỷ USD. Phó của ông Ross là Todd Ricketts có 1,7 tỷ USD… Tổng tài sản nội các của Trump khi đó có lúc lên tới vài chục tỷ USD.
Danh sách các thành viên nội các lần này có 3 người dẫn chương trình truyền hình, một cựu cầu thủ bóng bầu dục, 4 tỷ phú… Và đây đều là những gương mặt có sự ủng hộ mạnh mẽ với nhiều chính sách của ông Trump, từ giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu, chính sách cứng rắn với Trung Quốc và vấn đề nhập cư…
Về tổng thể, có thể thấy, các lựa chọn của ông Trump hướng về mục tiêu làm tinh gọn, hiệu quả, giảm chi phí bộ máy chính quyền nước Mỹ. Đó là vai trò của Elon Musk.
Đó còn là nỗ lực cắt giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp trong nước, hướng tới chi phí năng lượng thấp hơn, giá rẻ. Scott Bessent (62 tuổi) là một người được kỳ vọng sẽ làm điều này. Ông Bressent luôn ủng hộ cải cách thuế và bãi bỏ quy định, muốn sản xuất năng lượng nhiều hơn…
Ông Trump cũng muốn nâng cao vị thế của đồng USD cũng như vai trò trung tâm tài chính của thế giới, với việc chấp nhận sự thay đổi và những điều mới mẻ. Howard Lutnick có tài sản ước tính khoảng 1,5 tỷ USD và là người ủng hộ tiền số nói chung và đồng mã hóa Tether nói riêng.
Về cơ bản, ông Trump muốn tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy kinh tế Mỹ đi lên; muốn ngăn chặn hàng giá rẻ (trong đó có Trung Quốc) để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng tìm cách kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi phí năng lượng. Ông Trump cũng muốn chấm dứt chiến tranh và chi phí cho chiến tranh, trước hết để giảm chi tiêu của nước Mỹ…
Tuy nhiên, một vấn đề nhiều người quan tâm là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ ra sao ở nhiệm kỳ 2 của ông Trump. Những tín hiệu mới nhất cho thấy, có thể sẽ không quá căng thẳng như ông Trump tuyên bố.
Việc ông Trump chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thay vì chọn ông Howard Lutnick cho thấy điều này. Bessent là bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền Trump và là người ưu tiên giảm thuế trong nước, cắt giảm chi tiêu và duy trì vị thế của đồng USD.
Nhiều chuyên gia tin rằng, việc Donald Trump chọn ông Bessent (thay vì Lutnick) là tín hiệu cho việc sử dụng thuế quan có chừng mực. Có thể làm dịu đi sự bất ổn trong thương mại Mỹ - Trung. Trong khi tranh cử, ông Trump tính đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc và ít nhất 10% từ các nước khác.
Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho rằng, chính quyền mới có thể chỉ áp thuế 40% lên Bắc Kinh. Ông Lutnick trước đó công khai ủng hộ ý tưởng 60% của ông Trump. Giá vàng đầu tuần mới tụt giảm và được cho một phần lý do vì lựa chọn Bessent của ông Trump.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)