Lũ lụt bủa vây Trung Quốc, 87 con sông dâng cao báo động: Đập Tam Hiệp bị dồn ép cực căng thẳng

02/08/2024 13:53:56

Trung Quốc đang đối mặt với những trận mưa lũ khắc nghiệt bậc nhất trong lịch sử.

 

Mưa lũ bủa vây Trung Quốc liên miên

Đã 1 tuần kể từ khi cơn bão mạnh Gaemi tấn công Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 7 của năm 2024, nhưng báo chí, truyền thông Trung Quốc vẫn liên tục thông tin về nó. Đó là bởi, tàn dư của cơn bão gây mưa lớn và lũ lụt có tác động quá lớn đối với nhiều khu vực của Trung Quốc.

Phần lớn Trung Quốc đang phải vật lộn với mưa lớn và lũ lụt bủa vây trong những tuần gần đây. 15 tỉnh của nước này hiện đang trong tình trạng báo động khẩn cấp trong một mùa mưa bão khắc nghiệt chỉ mới bắt đầu, SCMP thông tin.

Theo cập nhật mới nhất của Tân Hoa Xã, 87 con sông ở 7 tỉnh (gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quảng Đông) và Khu tự trị Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc đã báo cáo mực nước dâng cao khiến chính quyền phải ban hành cảnh báo.

Chưa hết, mưa lớn liên tục hậu bão Gaemi ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc đã gây ra 3 vụ vỡ đê sông trong vòng chưa đầy 20 giờ và buộc hàng nghìn người dân phải sơ tán khi mực nước đạt "mức kỷ lục".

Lũ lụt bủa vây Trung Quốc, 87 con sông dâng cao báo động: Đập Tam Hiệp bị dồn ép cực căng thẳng
Một ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam bị ngập trong nước lũ vào Chủ Nhật 28/7 sau trận mưa lớn do bão Gaemi gây ra. Ảnh: AFP

Tiếp đó, vào ngày 28/7, nước lũ đã tràn vào 2 con đê khác trên sông Tương (con sông lớn nhất ở tỉnh Hồ Nam) buộc hơn 4.000 người phải rời bỏ nhà cửa. 

Tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) cho biết thêm rằng mưa lớn liên tục do cơn bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc trong năm 2024 (Gaemi) đã ảnh hưởng đến gần 90.000 người, làm hư hại khoảng 1.400 ngôi nhà và phá hủy khoảng 1.300 con đường ở Tư Hưng (Hồ Nam). Tại thành phố Hành Dương (Hồ Nam), ít nhất 15 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương sau khi một trận lở đất nghiêm trọng do mưa lớn gây ra.

Trong khi đó, các cơ quan kiểm soát lũ lụt ở Lâm Giang, một thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lên Cấp độ 1 – cấp độ cảnh báo cao nhất – và kêu gọi người dân sơ tán khỏi tầng trệt và tầng một của các ngôi nhà. 

Lũ lụt bủa vây Trung Quốc, 87 con sông dâng cao báo động: Đập Tam Hiệp bị dồn ép cực căng thẳng - 1
Bão Gaemi mang theo mưa lớn, gây ngập tại thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ngày 26 tháng 7 năm 2024. Ảnh: CFP

Đứng trước những hậu quả tàn khốc từ bão lũ, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã cấp 500 triệu Nhân dân tệ (69 triệu đô la Mỹ) tiền tài trợ khẩn cấp cho các nỗ lực phục hồi ở các tỉnh Hồ Nam, Hà Nam, Tứ Xuyên và Thiểm Tây, và cứu trợ hậu bão ở tỉnh Phúc Kiến, SCMP thông tin.

Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin Bộ tài chính Trung Quốc đã dành riêng 238 triệu Nhân dân tệ (33 triệu đô la Mỹ) cho công tác phòng chống thiên tai và viện trợ nông nghiệp.

Theo tính toán của Reuters, Trung Quốc đã giải ngân quỹ cứu trợ thiên tai ít nhất là 6,9 tỷ Nhân dân tệ (951 triệu đô la Mỹ) để khắc phục hậu quả hậu bão Gaemi.

Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết mùa lũ và lượng mưa lớn dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 8/2024, khi hoạt động của bão nhiệt đới dự kiến sẽ tăng lên. CMA cũng cảnh báo về tác động tiềm tàng của lượng mưa lớn đến sản lượng ngũ cốc mùa thu ở đông bắc Trung Quốc, một trong những vùng sản xuất ngũ cốc chính của nước này.

Đập Tam Hiệp có đang làm tròn vai?

Tân Hoa Xã cho biết, 2 ngày mưa liên tục do bão đã làm mực nước sông Tương dâng cao báo động, gây lũ lụt mức kỷ lục ở một số khu vực. 

Điều đáng nói là, sông Tương là một nhánh chính của sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, nơi có đập thủy điện lớn nhất thế giới (đập Tam Hiệp) chắn qua.

Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã từng đưa ra cảnh báo ngày từ đầu tháng 7/2024 rằng, lũ lụt nghiêm trọng dự kiến sẽ xảy ra ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử và các con sông khác. 

Vượt trên dự báo, những trận mưa như trút hồi cuối tháng 7 đã giáng xuống thượng lưu sông Dương Tử khiến cho lưu lượng nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp tăng lên đến 43.000 mét khối/giây.

Để đối phó với tình hình này, đập Tam Hiệp buộc phải xả lũ. Có thời điểm, đập Tam Hiệp mở 11 cửa để xả lũ. Điều này tất nhiên khiến cho mực nước sông Dương Tử ở vùng hạ lưu dâng lên cao. 

Lũ lụt bủa vây Trung Quốc, 87 con sông dâng cao báo động: Đập Tam Hiệp bị dồn ép cực căng thẳng - 2
Ước mơ chế ngự được thiên nhiên luôn ám ảnh tâm trí giới lãnh đạo Trung Quốc. Đập Tam Hiệp là một trong những ước mơ thành sự thật của họ. Ảnh minh họa: GETTY IMAGES

Cách đây tròn 30 năm, khi đập Tam Hiệp chính thức được 'động thổ', một trong những mục đích trọng yếu nhất mà các nhà hoạch định đưa ra chính là để chế ngự con sông dài nhất châu Á (Dương Tử) nhằm bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt thảm khốc mỗi khi mùa mưa bão diễn ra.

Tuy nhiên, đập Tam Hiệp đang đối mặt với 2 vấn đề lớn:

Thứ nhất, đập Tam Hiệp hiện đang tích tụ 1,8 tỷ tấn trầm tích sau 18 năm vận hành, quá trình này tăng lên với tốc độ 100 triệu tấn trầm tích mỗi năm. 

[Giải thích: Vì sao quá trình bồi lắng lại có thể gây lũ lụt? Đó là vì khi trầm tích tăng lên thì dung tích hữu ích của hồ chứa của đập Tam Hiệp sẽ giảm đi. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng điều tiết nước của hồ chứa, ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát lũ của hồ. Hậu quả là, sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử - vốn là vùng đông dân cư và tập trung phát triển kinh tế].

Thứ hai, Sách xanh về Biến đổi khí hậu của Trung Quốc năm 2024 do CMA công bố cho biết, do xu hướng nóng lên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, Trung Quốc sẽ hứng nhiều trận mưa cực đoan hơn nữa trong tương lai.

 

Cả hai vấn đề này diễn ra cùng một lúc khiến cho vai trò của đập Tam Hiệp trong sứ mệnh chế ngự sông Dương Tử đang gặp khó.

Giải pháp trước mắt chính là xả lũ. Đến đây, Trung Quốc lại đối mặt với bài toán nan giải khác: Nếu không xả lũ, nguy cơ vỡ đập là rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân vùng thượng du. Nhưng khi xả lũ, người dân hạ du sông Dương Tử lại phải gánh chịu hậu quả.

Đập Tam Hiệp phải chăng đang "một cổ hai tròng"? Siêu đập của người Trung Quốc chưa bao giờ đứng trước thử thách lớn như thế trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Theo Trang Ly (Nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật