Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung hôm nay trao đổi với một nhóm báo chí về việc Việt Nam lần đầu trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.
- Vai trò của UNCITRAL là gì thưa ông ?
- Ủy ban được Đại hội đồng LHQ thành lập từ năm 1966, có 60 thành viên. Đây là cơ chế quan trọng hàng đầu trên thế giới trong xây dựng những văn kiện pháp lý, thảo luận các vấn đề pháp lý đặt ra trong thương mại quốc tế.
UNCITRAL đã đưa ra nhiều công ước quốc tế, trong đó có những văn bản quan trọng như Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước Mauritius năm 2014 về minh bạch hóa. Ủy ban cũng đưa ra các mô hình xây dựng các văn bản mà các nước có thể tham gia. Đại hội đồng cứ sau ba năm sẽ tiến hành bầu lại một nửa số thành viên.
- Việt Nam đã chuẩn bị để ứng cử vào UNCITRAL thế nào?
- Việt Nam ứng cử làm thành viên UNCITRAL xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương.
Chúng ta đã có chuẩn bị về kiến thức và nhân lực vì đã làm quan sát viên của Ủy ban nhiều năm. Từ cuối năm 2017, Bộ Ngoại giao lên phương án và trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được thông qua, Việt Nam thông báo với các nước thành viên về việc mình ứng cử, nêu các thành tựu về kinh tế đối ngoại, về hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình và có thể làm gì để đóng góp cho Ủy ban. Việt Nam đã vận động tại các cơ quan đại diện của mình ở các nước thành viên của Ủy ban và tại ba trung tâm lớn ở New York, Vienna, Áo và Geneva, Thụy Sĩ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải chứng minh cho các nước thành viên của Ủy ban thấy chúng ta có thể có đóng góp cho công việc chung như thế nào, nêu các vấn đề dựa trên thực tế kinh nghiệm của mình trong thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Tôi cho rằng việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP cũng có tác động rất lớn.
- Ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử là gì?
- Đây là một vị trí mà nhiều nước quan tâm vì thương mại là vấn đề quan trọng với tất cả các nước. Trong lần đầu ứng cử, Việt Nam nằm trong nhóm có số ứng viên nhiều hơn số ghế (nhóm châu Á - Thái Bình Dương), 7 ghế trong tổng số 9 ứng viên.
Việt Nam đạt 157 phiếu, đứng thứ 5 trong tổng số 60 thành viên. Chúng ta có thứ hạng cao dù trong khu vực có những nước nhiều năm tham gia vào Ủy ban và là nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước đi đầu trong ASEAN như Indonesia hay Malaysia.
Việc chúng ta trúng cử cho thấy các nước đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế. Họ cũng nhìn nhận những thành tựu trong quá trình đổi mới về thương mại, đầu tư, thu hút FDI, nhìn nhận mức độ cam kết và hoàn thiện các văn kiện pháp lý liên quan, vai trò của Việt Nam trong Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ. Nhiều nước thu thập được phản ánh của các doanh nghiệp hoạt động và làm ăn với doanh nghiệp của Việt Nam.
- Các công việc và lợi thế của Việt Nam khi là thành viên của UNCITRAL?
- Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình thảo luận của Ủy ban, cùng xem xét các vấn đề mà các quốc gia và doanh nghiệp nêu lên trong hoạt động thương mại quốc tế. Từ đó chúng ta có thể có tiếng nói sớm hơn, sâu hơn với các văn bản, văn kiện pháp lý, vừa đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế vừa bảo đảm lợi ích của quốc gia.
Hiện nay một vấn đề trọng tâm đang được thảo luận là cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các chính phủ. Việt Nam đang là một trong các điểm đến của các nhà đầu tư, tổng lượng đầu tư rất lớn. Do đó việc xảy ra tranh chấp chắc chắn sẽ và đã từng xảy ra. Khi tham gia thảo luận trong UNCITRAL, chúng ta sẽ có thêm tri thức và kinh nghiệm trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội nâng cao năng lực pháp lý.
Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)