Tổng thống Trump hôm 9/3 tuyên bố chấp nhận gặp mặt Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 5. Mục tiêu của Washington là một thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Để đạt được mục đích ấy, Tổng thống Trump sẽ phải thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đồng thời đóng cửa các nhà máy, lò phản ứng hạt nhân và các cơ sở làm giàu uranium, nơi sản xuất ra nguyên liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên
Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 25/2 cho thấy một lò phản ứng nhân của Triều Tiên sắp đi vào hoạt động sau nhiều năm xây dựng. Cơ sở này nằm bên trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi Triều Tiên khởi động chương trình hạt nhân của nước này từ thập niên 1960.
Triều Tiên trước giờ luôn khẳng định lò phản ứng hạt nhân chỉ được sử dụng để sản xuất điện dân dụng. Tuy nhiên, lò phản ứng mới cũng có thể sản xuất plutonium, một nguyên liệu chính để chế tạo vũ khí hạt nhân. Giới chuyên gia nghi ngờ lò phản ứng hạt nhân mới có thể được sử dụng để bù đắp cho năng suất của cơ sở sản xuất plutonium cũ vốn đã qua nhiều năm hoạt động tại Yongbyon.
Cơ sở mới sắp đi vào hoạt động được xếp vào loại lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ thực nghiệm. Nó có thể sản xuất 25-30 megawatt điện năng, đủ để cung cấp năng lượng cho một thị trấn nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Viện Khoa học và An ninh quốc tế tại Washington, cơ sở trên cũng có thể sản xuất khoảng 20 kg plutonium cấp độ vũ khí mỗi năm. Khối lượng plutonium này lớn hơn 4 lần so với lượng plutonium mà lò phản ứng hạt nhân lớn duy nhất đang hoạt động của Triều Tiên sản xuất được.
Sản xuất nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân được cho là không phức tạp bằng hoàn thiện tên lửa có khả năng phóng các đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu khắp Trái đất. Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về thời điểm Triều Tiên phát triển thành công công nghệ tái nhập khí quyển cho đầu đạn hạt nhân, phần lớn các chuyên gia nhất trí rằng Bình Nhưỡng đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất plutonium.
Gia tăng hoạt động tại lò phản ứng
Hình ảnh vệ tinh thu được hôm 25/2 cho thấy một ống khói từ lò phản ứng đều đặn thải ra khói. Đây có thể là bằng chứng của hoạt động thử nghiệm sơ bộ tại lò phản ứng.
Từ Đại học Standford, các chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh nhận định hoạt động tại khu vực quanh lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên gia tăng đáng kể trong năm 2017. Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang gấp rút đưa lò phản ứng này vào hoạt động hết công suất. Trong suốt năm 2017, các nhà phân tích quan sát được nhiều hoạt động xây dựng lớn nhằm hoàn thiện hệ thống làm mát cho lò phản ứng hạt nhân.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng tìm ra một số bằng chứng cho thấy lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên được sử dụng để sản xuất điện dân dụng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các đường dây tải điện và trạm biến áp được xây dựng xung quanh khu vực lò phản ứng.
"Việc một số công trình được lắp đặt gần lò phản ứng khiến tôi và các chuyên gia có cùng kết luận rằng cơ sở này có thể được sử dụng để sản xuất điện", chuyên gia Alison Puccioni từ nhóm nghiên cứu Đại học Standford cho biết.
Tuy nhiên, Triều Tiên từ lâu đã cấm thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này. Vì vậy, khó có thể biết mục đích sử dụng thực sự của lò phản ứng hạt nhân mới được đưa vào vận hành.
Triều Tiên có thể mở rộng kho vũ khí hạt nhân
Washington thời gian qua khẳng định mục tiêu của cuộc gặp Trump - Kim Jong Un là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Do đó, hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo, nếu cuộc gặp thực sự diễn ra.
Trong trường hợp thỏa thuận đạt được chỉ là Triều Tiên đồng ý dừng các cuộc thử tên lửa và hạt nhân, Bình Nhưỡng vẫn có thể sản xuất thêm nhiều đầu đạn hạt nhân và mở rộng kho vũ khí.
Trong quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thuyết phục thành công Tehran dừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân trong 13 năm. Câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống Trump có thể đạt được thỏa thuận tương tự với Bình Nhưỡng hay không.
Nếu đàm phán kéo dài hay thậm chí thất bại, người ta lo ngại sự hoạt động của lò phản ứng hạt nhân có thể là một trong những lý do mà giới diều hâu tại Washington vin vào để tiến hành can thiệp quân sự.
Ngay trước thời điểm Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, John Bolton, người hiện là tân cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, viết trên New York Times rằng đàm phán hay cấm vận sẽ không thể ngăn Iran tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Bolton nay cũng có quan điểm tương tự về vấn đề Triều Tiên.
"Một sự thật không mấy dễ chịu là chỉ có hành động quân sự, như cái cách Israel đã phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Saddam Hussein năm 1981 hay lò phàn ứng hạt nhân của Syria năm 2007, mới giúp chúng ta đạt được mục đích. Chúng ta không có nhiều thời gian nhưng một cuộc tấn công sẽ mang lại thắng lợi", ông Bolton viết.
Tới thời điểm hiện tại, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào trước bằng chứng về việc lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên được đưa vào hoạt động.
Lịch sử chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Triều Tiên khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon năm 1986, với công suất 5 megawatt. Ở thời điểm đó, cơ sở này được đánh giá có khả năng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu plutonium của Triều Tiên. Lò phản ứng này có một tháp làm mát cao hơn 20 m với nhiệm vụ tản nhiệt. Những cột hơi nước phả ra đều đặn từ tháp này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự hoạt động của lò phản ứng.
Sau các cuộc đàm phán 6 bên từ năm 2007, Triều Tiên đồng ý đóng cửa toàn bộ các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Năm 2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm mát cao 20 m tại lò phản ứng. Hình ảnh về vụ phá hủy này sau đó được đăng tải rộng rãi tại nhiều quốc gia.
"Đó có thể coi là hành động thể hiện thiện chí. Triều Tiên phá hủy tháp làm mát, bề ngoài là để cho thế giới thấy họ không tiếp tục sử dụng lò phản ứng đó nữa", bà Puccioni nói.
Thực tế, việc phá hủy tháp làm mát chỉ là hành động mang tính tượng trưng, hầu như không ảnh hưởng tới những hoạt động còn lại tại khu tổ hợp Yongbyon.
Năm 2010, hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên khi đó triển khai xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới. Đến năm 2013, phía ngoài của lò phản ứng trên được hoàn thiện.
Cũng trong thời gian đó, Triều Tiên có những động thái cho thấy nước này định tái khôi phục hoạt động của lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt dù đã cam kết đóng cửa cơ sở này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy xuất hiện một rạch nước nối từ lò phản ứng tới sông Kuryong gần đó. Các chuyên gia nhận định đây là một phần của hệ thống làm mát mới thay thế tháp làm mát bị phá hủy năm 2008. Giới phân tích sau đó quan sát thấy nước nóng được thải định kỳ từ lò phản ứng ra sông Kuryong.
Trong hình ảnh vệ tinh thu thập ngày 17/1, hơi nước được quan sát bốc ra từ tòa nhà động cơ của lò phản ứng 5 megawatt, trong khi nước nóng từ đường ống xả làm tan băng trên bờ sông Kuryong. Những bằng chứng này cho thấy lò phản ứng hạt nhân công suất 5 megawatt của Triều Tiên đã khôi phục hoạt động.
"Lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt đã liên tục hoạt động trong năm 2017", bà Puccioni nhận định. Chuyên gia từ Đại học Stanford này đã có 10 năm kinh nghiệm phân tích ảnh vệ tinh về Triều Tiên.
Hoạt động của 2 lò phản ứng hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon có nguy cơ làm phức tạp thêm những cuộc đối thoại nhằm đóng băng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa.
Để giải quyết vấn đề lòng tin này, cộng đồng quốc tế có thể yêu cầu Triều Tiên cho phép các thanh sát viên tiếp cận 2 lò phản ứng hạt nhân để đảm bảo nước này không tiếp tục sản xuất plutonium. Trong quá khứ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã có thời gian cử thanh sát viên tới kiểm tra hoạt động tại Yongbyon.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc thanh sát phi hạt nhân hóa cần được tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Washington nghi ngờ có các cơ sở làm giàu uranium bí mật nằm ngoài tổ hợp Yongbyon.
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)