Lo ngại cho môi trường, người Mỹ quay lại với chôn cất thô sơ

06/04/2023 16:03:31

Cả hoả táng lẫn chôn cất trong hầm mộ bê tông, quan tài sang trọng đều bị đánh giá là thiếu thân thiện môi trường. Người Mỹ đang có xu hướng quay trở về với chôn cất thô sơ, sao cho mọi thứ đều có thể tan vào với đất.

Lo ngại cho môi trường, người Mỹ quay lại với chôn cất thô sơ
Ngôi mộ được chôn cất thân thiện môi trường đầu tiên ở Nghĩa trang Serenity Ridge.

Mia Zinn là thành viên câu lạc bộ sinh thái ở trường phổ thông. Cô bé tham gia trồng cây và kêu gọi các quan chức địa phương bảo tồn một khu rừng trong khu vực. Khi biết mình mắc bệnh nan y, Mia muốn trở thành một cái cây sau khi chết. 

Vì thế, một ngày sau khi cô bé qua đời, cha cô - ông Chris Zinn đã đến thăm Vườn ươm và Nghĩa trang chôn cất tự nhiên Serenity Ridge ở hạt Baltimore, cách nhà họ 45 phút lái xe. Ông được chỉ đến một khu vực có cây cối mọc tự nhiên. 

“Đó là một địa điểm hoàn hảo” - ông nói. “Nó gợi nhớ cho tôi rất nhiều về khu vực mà chúng tôi đã đi bộ cùng nhau nhiều lần gần đây”.

Mia qua đời vào tháng trước ở tuổi 17 vì một căn bệnh ung thư xương hiếm gặp. Cô là người thứ 3 được mai táng tại Serenity Ridge. Địa điểm này là một trong ngày càng nhiều nghĩa trang ở Mỹ cung cấp dịch vụ chôn cất tự nhiên (hay còn gọi là chôn cất thân thiện môi trường), nhằm đáp ứng nhu cầu của những người có ý thức cao về bảo vệ môi trường.

Những lễ chôn cất như vậy nhằm tránh các tiêu chuẩn về ướp xác, quan tài đắt tiền, hầm bê tông hay lót mộ bằng kim loại tại các nghĩa trang truyền thống của Mỹ. Thay vào đó, họ dùng những vật liệu đơn giản, có thể phân hủy cùng với thi thể. Mia được an nghỉ trong một chiếc quan tài bằng tre có bọc vải cotton, một lễ chôn cất mà cha mẹ cô cho là đơn giản và trang nhã nhưng đã khiến một số người tham dự ngạc nhiên.

Aubrey Zinn, mẹ cô bé, cho biết: “Nhiều người nói: 'Ôi trời, tôi không biết còn có cả thứ này nữa”.

Lo ngại cho môi trường, người Mỹ quay lại với chôn cất thô sơ - 1
Những chiếc cọc tre đánh dấu nơi chôn cất đã được đặt chỗ trước.

Trước thời kỳ Nội chiến, việc chôn cất đơn giản, thân thiện môi trường vẫn là truyền thống của người Mỹ. Cho đến khi nhiều binh sĩ được ướp xác để đưa thi thể trở về nhà thì các tiêu chuẩn chôn cất bắt đầu thay đổi. Việc ướp xác Tổng thống Abraham Lincoln sau đó đã làm cho quy trình này trở nên thời thượng. Và ở thế kỷ tiếp sau đó, việc ướp xác, những chiếc quan tài sang trọng và lớp lót trong hầm đã trở thành tiêu chuẩn.

Ngày nay, 57% người dân Mỹ chọn hỏa táng, 37% chọn cách chôn cất truyền thống - thông tin từ Hiệp hội các giám đốc Tang lễ Quốc gia (NFDA). Tuy nhiên, cả 2 cách này đều có những nhược điểm về môi trường.

Hỏa táng - tức là phải chạy lò ở nhiệt độ gần 2.000 trong khoảng 2 giờ - sẽ tạo ra lượng khí thải tương đương với lái một chiếc ô tô 500 dặm. Trong khi đó, chôn cất truyền thống sẽ phải đào 1,6 triệu tấn bê tông trong lòng đất mỗi năm, cùng với 4,3 triệu gallon chất lỏng ướp xác và 64.500 tấn thép. Một ngôi mộ truyền thống thải ra 250 pound carbon, trong khi chôn cất thân thiện môi trường chỉ thải ra 25 pound.

Gây hại tới môi trường là một lý do khiến bà Jane Pennington quyết định không hỏa táng cho người chồng 96 tuổi của mình - ông Ken Pennington, một giáo viên dạy thanh nhạc, cựu chiến binh trong Thế chiến II, người đã qua đời vào tháng trước. 

“Các lò hỏa táng thường được đặt ở những khu vực sống của những người khó khăn nhất trong cộng đồng. Chúng thải ra khói và mùi, và tôi không muốn góp phần vào điều đó”. Bà chôn cất chồng mình tại Serenity Ridge trong một chiếc quan tài dệt bằng liễu và dành phần đất bên cạnh cho riêng mình.

Lo ngại cho môi trường, người Mỹ quay lại với chôn cất thô sơ - 2
Một nhóm người tham quan Nghĩa trang Serenity Ridge

Theo một báo cáo của NFDA vào năm ngoái, cứ 5 người thì có 3 người bày tỏ sự quan tâm đến việc tìm hiểu các nghĩa trang thân thiện môi trường.

Ông Ed Bixby, chủ tịch NFDA cho biết, hiệp hội này đã chứng nhận hàng chục nghĩa trang xanh ở hơn 30 tiểu bang của Mỹ, trong đó có một số nghĩa trang ‘lai’, cung cấp cả dịch vụ chôn cất xanh lẫn chôn cất truyền thống. Ông Bixby ước tính rằng có khoảng 8% số người lựa chọn chôn cất xanh và ông hy vọng con số sẽ còn “tăng vọt”.

Ông Howard Berg, bác sĩ phẫu thuật đại trực tràng đã nghỉ hưu là chủ sở hữu và tổng giám đốc của Serenity Ridge. Ông nảy ra ý tưởng này khi ông và các anh trai của mình đang cân nhắc xem nên làm gì với 177 mẫu đất nông nghiệp mà họ được thừa kế. 

Ai đó khi đi qua những ngọn đồi thoai thoải và lùm cây rậm rạp của khu đất có thể không nhận ra các thi thể đang được chôn bên dưới. Thay vì những bia mộ thẳng đứng, những điểm đánh dấu mộ ở Serenity Ridge sẽ là những phiến đá phẳng. Trên mặt đất sẽ được trồng hoa dại, cây bản địa và cây bụi. Thỉnh thoảng, người ta sẽ mang dê tới để giúp ăn bớt cỏ. Khu đất được mở cửa cho những người đi bộ đường dài, ngắm chim, cưỡi ngựa.

“Ý tưởng của chúng tôi không phải coi nó như một nghĩa trang, mà là một khu bảo tồn thiên nhiên nơi các thi thể tình cờ được chôn cất”.

Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)

 

Nổi bật