Thời gian phong tỏa phòng chống Covid-19, Murillo, 27 tuổi, phải làm việc nhiều giờ với máy tính xách tay, khiến anh liên tục ăn vặt tại căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carolina (Mỹ). Các phòng gym đóng cửa, các bài tập không còn được tổ chức, trong khi bản thân Murillo không có động lực luyện tập một mình.
"Tôi có thể nhận thấy điều đó. Đồng phục trở nên chật hơn," Murillo, cao khoảng 1m65 nhưng có lúc nặng tới 87kg, cho biết.
Murillo không phải binh sĩ duy nhất ở Mỹ đối mặt với tăng cân. Nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng béo phì trở nên phổ biến trong quân đội Mỹ vào thời kỳ đại dịch. Trong khoảng từ tháng 02/2019 tới 06/2021, có tới gần 10.000 binh lính Mỹ rơi vào tình trạng béo phì.
"Lục quân và các lực lượng khác cần tập trung vào việc đưa binh sĩ trở lại trạng thái khỏe mạnh," Tracey Perez Koehlmoos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Binh lính tại Đại học Lực lượng Đồng phục tại Bethesda, bang Maryland nói.
Binh lính thừa cân và béo phì dễ chấn thương hơn và khó đảm bảo các yêu cầu thể lực trong nghề nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra rằng quân đội Mỹ mất khoảng 650.000 ngày công do tình trạng tăng cân của các binh sĩ, và chi phí y tế liên quan đến béo phì trong quân đội nước này đã vượt mức 1,5 tỷ USD mỗi năm.
Koehlmoos cho biết hiện chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng béo phì sắp kết thúc, nhấn mạnh những lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng quân đội Mỹ.
Giới lãnh đạo quân đội Mỹ từ lâu đã được cảnh báo về tác động của béo phì, nhưng những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy họ cần hàng động ngay lập tức, theo tướng về hưu Stephen Cheney.
"Số liệu không khả quan hơn chút nào. Càng ngày số liệu càng tệ," Cheney phát biểu hồi tháng 11/2022.
Koehlmoos và các cộng sự đã phân tích hồ sơ y tế của các quân nhân tại ngũ trong Kho lưu trữ Dữ liệu Hệ thống Y tế Quân sự Mỹ. Họ chú ý hai giai đoạn: trước khi đại dịch xảy ra, từ tháng 02/2019 tới tháng 01/2020, và trong đại dịch, từ 09/2020 tới 06/2021. Họ loại bỏ số liệu của binh sĩ không có thông tin đầy đủ hay mang thai.
Trong số gần 200.000 binh sĩ được nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng khoảng gần 27% đã trở nên thừa cân dù trước đó khỏe mạnh. Khoảng 16% tăng từ thừa cân lên béo phì. Trước đại dịch, khoảng 18% binh sĩ béo phì, nhưng tới năm 2021, con số này tăng lên 23%.
Nghiên cứu dựa trên chỉ số BMI tiêu chuẩn, tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng. Một người có chỉ số BMI từ 18,5 - 25 được coi là khỏe mạnh, từ 25 tới dưới 30 là thừa cân, và từ 30 trở lên là béo phì. Một số chuyên gia cho rằng BMI là thước đo không chuẩn xác khi không tính đến khối lượng cơ hay các vấn đề bệnh nền, nhưng nó vẫn được sử dụng rộng rãi.
Linh Giang (SHTT)