Ấn Độ trong làn sóng dịch thứ 2 đang chứng kiến một sự càn quét thực sự. Thi thể người chết đang tới quá nhanh, nhanh hơn so với khả năng làm việc của các lò hỏa táng. Những giàn hỏa liên tục được lập mới, trong khi lò hỏa táng đỏ lửa ngày đêm, vận hành hết công suất, nhưng cũng không thể kịp.
"Trước đại dịch, chúng tôi thường chỉ hỏa táng khoảng 8 - 10 người mỗi ngày," - theo Jintender Singh Shunty, giám đốc lò hỏa táng Seemapuri tại New Delhi, Ấn Độ.
"Còn giờ là 100 - 120 thi thể mỗi ngày."
Nhu cầu hỏa táng cao đến mức lò Seemapuri đã phải trưng dụng nơi đậu xe để làm chỗ thiêu xác, với hàng chục công nhân đang xây lò mới từ gạch và vữa. Chỗ khả dụng còn rất ít, các gia đình thậm chí phải phát vé, chờ đợi đến lượt đưa thân nhân vào làm lễ. Lượng gỗ dùng để hỏa táng hiện cũng dần cạn kiệt.
Ngày 26/4, thị trưởng Bắc Delhi - Jai Prakash đã viết thư cho Thủ hiến Delhi là Arvind Kejriwal để xin được cung cấp một lượng gỗ ổn định. Trong khi đó, người thân của các nạn nhân giờ còn phải trả tiền cho số gỗ dùng để thiêu xác. Cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, vì kiếm được chỗ trong các lò hỏa thiêu là cực kỳ khó khăn.
Hỏa táng vốn là một nghi thức quan trọng trong tín ngưỡng của người Hindu, với quan niệm trả lại sự tự do cho linh hồn. Nhưng nghi lễ thiêng liêng ấy, trong tình cảnh này, thực chẳng khác nào địa ngục.
Cha của Barkha Dutt - một phóng viên của Washington Post - đã mất sau khi nhiễm Covid-19 trong tuần qua vì thiếu oxy để thở. "Thực sự đã không còn chỗ nữa. Đã có đánh nhau xảy ra giữa vài gia đình để giành giật nơi hỏa táng. Chúng tôi phải gọi cho cảnh sát để được hỏa thiêu cha."
"Và như vậy vẫn còn là may mắn hơn hầu hết ngừoi Ấn Độ khác."
Thi thể đến không dừng
Ấn Độ ghi nhận gần 380.000 ca nhiễm mới trong ngày 29/4 - lại một kỷ lục nữa của thế giới. 3600 người đã tử vong.
Các cơ sở hỏa táng tại Delhi đã phải tiến hành xử lý 600 thi thể mỗi ngày trong tuần qua, cao gấp đôi so với con số tử vong chính thức được ghi nhận trong thành phố.
"Chúng tôi bắt đầu tiếp nhận vào buổi sáng, và thi thể liên tục được chuyển đến, không dừng lại," - Suman Kumar Gupta, một quan chức tại cơ sở hỏa táng Nigambodh Ghat cho biết.
Với những người làm việc tại lò hỏa táng, việc phải xử lý hàng trăm thi thể mỗi ngày và chứng kiến sự bi thương cạnh đó thực sự khiến họ cảm thấy kiệt quệ. Tại lò hỏa táng Seemapuri, nhiều công nhân mệt mỏi đến mức đổ gục vào tường, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để ngủ một chút, trước khi phải tiếp tục đối mặt với đau thương.
"Chúng tôi đã phải hỏa thiêu 55 thi thể trong 5h đồng hồ vừa qua. Con số sẽ lên tới 100 vào cuối ngày," - ông Shunty cho biết. "Tôi rất mệt, nhưng đây không phải là lúc để mệt. Đây là thời điểm phải làm việc cho đất nước, cống hiến cho nhân loại, và cứu sinh mạng con người."
"Điều kinh khủng nhất của công việc này là phải chứng kiến những người trẻ chết vì Covid. Chúng tôi thấy những gia đình mất đến 2 - 3 thành viên còn rất trẻ. Tôi thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Delhi, thực sự rất đau lòng."
Số liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ cho thấy tỉ lệ người trẻ mắc bệnh là tương đương với làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Nhưng theo các chuyên gia, nhân viên y tế và công nhân tại lò hỏa táng, số người trẻ chết vì căn bệnh này đang nhiều bất thường.
"Ở làn sóng dịch lần này, người trẻ đang bị nhiễm nhiều hơn," - trích lời Thủ hiến Kejriwal ngày 15/4.
Sự bất lực ngập tràn
Theo các đánh giá, chính phủ Ấn Độ đang vật lộn để giải quyết sự lây lan của virus. Nhiều bang và thành phố đã ban hành những quy định siết chặt mới, đồng thời đóng cửa nhiều cửa hàng để hạn chế làn sóng đầy chết chóc này. Ngoài ra, những kế hoạch cung cấp thêm oxy cùng cứu trợ từ các quốc gia khác đang được triển khai.
Tuy nhiên, kế hoạch cần thời gian để thực hiện - kể cả việc lắp đặt cơ sở sản xuất oxy lẫn phân phối hàng cứu trợ. Đối với những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất như New Delhi, việc không thể tiếp cận sự hỗ trợ ngay lập tức cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều thi thể nữa tiếp tục xuất hiện.
Bất lực, thất vọng và tức giận là cảm xúc hiện tại của nhiều người Ấn Độ, khi chứng kiến người dân chết dần mỗi ngày.
"Tình hình sẽ tệ đi vì Delhi không có đủ giường bệnh, máy thở, oxy, huyết tương..." - Shunty cho biết. "Tôi rất tức giận, và cũng thấy tội lỗi vì chẳng thể làm được gì hơn."
Những người mất đi thân nhân cũng vậy. Họ bất lực nhìn người thân yêu của mình ra đi, mà không thể cứu chữa kịp thời.
"Lời cuối cha nói với tôi là 'bố ngạt thở quá. Làm ơn cứu bố.' Tôi đã làm tất cả, và giờ thì cả nhà chẳng còn ai nữa," - phóng viên Butt nhớ lại.
Nguồn: CNN
Theo J.D (Pháp luật và Bạn đọc)