Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn chưa rõ liệu mọi người có cần tiêm thêm liều thứ 4 vào năm 2022 hay không.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thông tin, khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng do Omicron gây ra đã giảm từ 70% xuống 45% sau khi tiêm liều tăng cường Pfizer với hai liều đầu cùng loại.
Trong cùng phân tích được công bố ngày 23/12, UKHSA ghi nhận hiệu quả của liều tăng cường Moderna kết hợp với 2 liều vắc xin Pfizer ban đầu được giữ ở mức 70-75% trong tối đa 9 tuần. Tuy nhiên, số người tham gia khảo sát không nhiều, có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết luận.
Đối với những người được tiêm 2 liều đầu là vắc xin AstraZeneca, hiệu quả liều Pfizer tăng cường giảm từ 60% xuống 35% sau 10 tuần. Nếu liều tăng cường là Moderna, hiệu quả giảm từ 60% xuống 45%.
Các phát hiện của Vương quốc Anh tương tự thực tế diễn ra ở Israel.
Ngày 22/12, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố tiêm liều thứ 4 để thử nghiệm tăng cường miễn dịch chống lại Omicron cho đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao, bao gồm những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế.
Ở Mỹ, hầu hết những người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm liều thứ 4 từ 6 tháng sau liều thứ 3.
Các quốc gia khác, như Vương quốc Anh, đang theo dõi chặt chẽ để có thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của những liều bổ sung.
Tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại UKHSA, nói rằng, Vương quốc Anh sẽ không vội vàng thay đổi chính sách tiêm chủng cho đến khi có thêm thông tin Omicron ảnh hưởng tới khả năng ngăn ngừa bệnh nặng của vắc xin hay không.
Cơ quan này cho biết sẽ mất vài tuần trước khi có thể ước tính khả năng của liều tăng cường chống lại nguy cơ trở nặng do Omicron gây ra bởi chưa có nhiều người bị bệnh.
Theo An Yên (VietNamNet)