Tất cả các loại vaccine vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng sau khi nhiễm biến thể Omicron, và đây được coi là mục tiêu quan trọng nhất.
Tuy vậy chỉ có vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất, sau khi được tiêm liều bổ sung, có thể ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Nhiều nước trên thế giới hiện chưa thể tiếp cận hai loại vaccine này.
Những loại vaccine khác, bao gồm vaccine của AstraZeneca, Johnson & Johnson, và các vaccine do Trung Quốc và Nga sản xuất, qua các nghiên cứu ban đầu cho thấy không thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa Omicron lây lan. Do hầu hết các nước đã triển khai chương trình tiêm chủng với các loại vaccine kể trên, điều này có thể tác động lớn tới diễn biến của đại dịch.
Việc số ca nhiễm tăng cao trên toàn cầu, trong bối cảnh hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm vaccine, không chỉ mang lại nguy cơ sức khỏe cho người dân mà còn làm tăng khả năng xuất hiện những biến thể mới. Khả năng chống chọi trước đại dịch của các nước sẽ khác biệt đáng kể, theo New York Times.
Thông tin về hiệu quả hạn chế của một số loại vaccine trong ngăn ngừa nhiễm biến thể Omicron cũng có thể dẫn tới tình trạng giảm nhu cầu tiêm chủng ở những nước đang phát triển.
Hầu hết các bằng chứng tính đến lúc này đều là kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm, do đó chưa thể hiện hết phản ứng miễn dịch của cơ thể con người, và cũng chưa phản ánh được hiệu quả trên thực tế. Tuy vậy, kết quả ban đầu rất đáng chú ý.
Hai loại vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất, sử dụng công nghệ mRNA mới, cho thấy có thể bảo vệ con người rất tốt trước khả năng nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các loại vaccine khác được phát triển dựa trên các phương pháp kích hoạt phản ứng miễn dịch trước đây.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hai loại vaccine do Trung Quốc sản xuất là Sinopharm và Sinovac, chiếm gần một nửa lượng vaccine đã được chuyển giao trên toàn cầu, hầu như không đem lại sự bảo vệ trước khả năng nhiễm Omicron. Đa số người dân Trung Quốc được tiêm các loại vaccine này, ngoài ra còn có các nước như Mexico hay Brazil.
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả ban đầu ở Anh cũng cho thấy vaccine của Oxford-AstraZeneca hầu như không thể ngăn chặn khả năng nhiễm biến thể Omicron ở thời điểm sáu tháng sau khi tiêm chủng. 90% người được tiêm chủng ở Ấn Độ đã được tiêm vaccine này, ngoài ra còn có các nước ở khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi chương trình Covax đã phân phối 67 triệu liều vaccine cho 44 nước.
Một số nhà nghiên cứu dự đoán vaccine Sputnik của Nga, hiện đang được sử dụng tại châu Phi và Mỹ Latin, cũng khó có khả năng ngăn chặn Omicron.
Nhu cầu vaccine Johnson & Johnson hiện đang tăng cao ở châu Phi, do loại vaccine này chỉ có một liều, dễ dàng được phân phối tới các khu vực không có tài nguyên bảo quản. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy vaccine này không hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm Omicron.
Kháng thể là tuyến phòng thủ đầu tiên trước virus mà vaccine giúp cơ thể người sản sinh ra. Tuy vậy, các loại vaccine cũng kích thích tế bào T tăng trưởng, và các nghiên cứu ban đầu cho thấy tế bào T vẫn nhận ra biến thể Omicron. Đây là điều rất quan trọng trong việc ngăn chặn khả năng virus gây bệnh nặng.
“Điều chúng ta không giữ được là khả năng ngăn chặn tình trạng bệnh nhẹ không có triệu chứng, điều chúng ta giữ lại được là khả năng ngăn bệnh nặng và tử vong,” nhà virus học John Moore tại Trường Y Weill Cornell ở New York nói. Ông cho rằng tới thời điểm này, Omicron dường như ít chết chóc hơn so với Delta.
Tuy vậy, khả năng ngăn chặn bệnh nặng và tử vong có thể là chưa đủ để ngăn Omicron gây ra gián đoạn toàn cầu, J. Stephen Morrison, giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế của Mỹ.
“Số ca nhiễm lớn sẽ khiến các hệ thống y tế quá tải, đơn giản bởi vì mẫu số có khả năng sẽ rất lớn,” Morrison nói.
Những người đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm bệnh có thể sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhưng họ vẫn có thể lây bệnh cho người chưa tiêm chủng. Những người này có thể mắc bệnh nặng hơn, và trở thành nguồn sinh ra biến thể mới.
Tiến sĩ Seth Berkley, giám đốc điều hành liên minh vaccine toàn cầu Gavi cho rằng cần thu thập thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về hiệu quả của vaccine trước Omicron. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn phải là trọng tâm của các biện pháp đối phó với đại dịch.
Dữ liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy với sự xuất hiện của Omicron, những người từng nhiễm Covid-19 trong quá khứ có khả năng tái nhiễm cao hơn nhiều so với các biến thể trước đây. Tuy vậy, một số chuyên gia y tế cho rằng những nước đã trải qua các đợt lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng như Brazil hay Ấn Độ có thể sẽ “dễ thở” hơn trước Omicron. Bên cạnh đó, người từng nhiễm Covid-19 trong quá khứ sau khi được tiêm chủng cũng có lượng kháng thể rất cao.
Hầu hết các nước Mỹ Latin tiêm chủng bằng vaccine do Trung Quốc hoặc Nga sản xuất, cũng như vaccine của AstraZeneca. Giáo sư miễn dịch học Mario Rosemblatt thuộc Đại học Chile cho biết hơn 90% người dân Chile đã được tiêm chủng hai liều, tuy vậy đa số là vaccine Coronavac của Sinovac sản xuất. Tỷ lệ tiêm chủng cao cùng những báo cáo ban đầu cho rằng Omicron không gây bệnh nặng đã khiến nhiều người dân nước này tỏ ra chủ quan.
“Chúng ta phải cảnh báo mọi người rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nếu tỷ lệ lây nhiễm cao, hệ thống y tế sẽ quá tải, do số lượng người đổ bệnh vẫn sẽ tăng lên,” ông giải thích.
Brazil đã khuyến nghị người đã tiêm chủng tiếp tục tiêm bổ sung liều thứ ba, và đã bắt đầu sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm bổ sung. Tuy vậy, mới khoảng 40% người được tiêm chủng đi tiêm liều bổ sung.
Tiến sĩ virus học Amilcar Tanuri tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro cho biết tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao ở Brazil có thể sẽ làm giảm tác động của Omicron, nhưng lưu ý rằng nhóm người nguy cơ cao được tiêm chủng đầu tiên ở Brazil đều được tiêm Coronavac. Bên cạnh đó, cũng có khoảng hàng chục triệu người được tiêm vaccine AstraZeneca.
Morrison cho rằng khả năng né vaccine của Omicron là “trở ngại lớn” với các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi giới chức vẫn đang nỗ lực tiêm chủng mũi đầu tiên cho người dân. Mới chỉ khoảng 13% người dân châu Phi được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, theo New York Times.
Tiến sĩ Laxminarayan cho biết chính phủ Ấn Độ đang tính tới việc triển khai tiêm vaccine bổ sung, tuy vậy tại nước này biến thể Delta vẫn đang là mối nguy cơ lớn, và hai liều vaccine là đủ để ngăn chặn lây nhiễm. Điều này hiến chính phủ Ấn Độ gặp khó khăn khi lựa chọn giữa hai phương án, tập trung tiêm chủng cho người chưa được tiêm, hay tiêm bổ sung cho người cao tuổi và người có nguy cơ cao để bảo vệ họ trước Omicron.
Thông tin các loại vaccine không dựa trên công nghệ mRNA khó mang lại sự bảo vệ trước Omicron cũng có thể làm suy giảm niềm tin ở những nước vốn có nhu cầu tiêm vaccine thấp, theo Morrison.
Nhà nghiên cứu Tolbert Nyenswah tại Trường Y Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho rằng những nguy cơ mà các nước phụ thuộc vào vaccine không dựa trên công nghệ mRNA đang đối mặt cho thấy hậu quả của việc các nước giàu không chia sẻ công nghệ với các nước thu nhập thấp và trung bình.
Hậu quả là các biến thể nguy hiểm vẫn sẽ xuất hiện ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và điều này sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục kéo dài, theo tiến sĩ Nyenswah.
Tiến sĩ Seth Berkley nhận định các nước có thể mắc sai lầm nếu không tiếp tục triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 vì cho rằng chỉ có vaccine mRNA đáng sử dụng.
“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến tình cảnh các nước cho rằng, ‘Những nước phát triển không dùng các loại vaccine này, chúng ta cũng sẽ không dùng. Điều đó có thể là sai lầm, nếu chúng ta chứng minh được rằng các loại vaccine vẫn hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong,” Berkley nói.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)