Liệu Mỹ có cứu được 2 'lính đánh thuê' có nguy cơ bị khép tội tử hình?

28/06/2022 13:45:05

Việc 2 “lính đánh thuê Mỹ” bị lực lượng thân Nga bắt ở miền Đông Ukraine đang là vấn đề nóng trong quan hệ Mỹ-Nga. Có nhiều dấu hiệu cho thấy phía Nga sẽ cứng rắn trong vụ này để ngăn ngừa làn sóng “lính đánh thuê”.

Chưa đầy 2 tháng trước, Mỹ đã thành công trong việc hồi hương cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ Trevor Reed đang thực hiện bản án 9 năm tù ở Nga sau khi trao đổi Trevor Reed với một người Nga bị giam vì buôn lậu ma túy.

Liệu Mỹ có cứu được 2 'lính đánh thuê' có nguy cơ bị khép tội tử hình?
Hai "lính đánh thuê" người Mỹ, Alexander Drueke và Andy Huynh, trong vụ việc . Ảnh: Telegraph.

Hiện nay, một quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết, nước ông đang nỗ lực thực hiện một cuộc trao đổi tù binh để trả tự do cho cho 2 cựu binh Mỹ bị các lực lượng Nga bắt giữ lúc giao tranh ở miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên một số chuyên gia và cựu đại sứ Mỹ cho rằng việc đàm phán lần này sẽ khó cho Mỹ vì quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay và Nga đang muốn các công dân nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho Ukraine nản chí bằng cách trừng phạt họ.

William Pomeranz – Quyền Giám đốc Viện Kennan của Trung tâm Wilson, chuyên tập trung nghiên cứu Nga và Ukraine, nói: “Nếu mục tiêu của người Nga là làm thoái chí, là trừng phạt những ai tham chiến, họ sẽ không sớm thả những người này”.

Theo ông Pomeranz, nếu người Nga đàm phán, họ sẽ đòi hỏi “giá cao trong bất cứ cuộc trao đổi nào”. Nghĩa là Mỹ sẽ phải dành nhiều công sức hơn mới có thể hy vọng phóng thích các cựu binh Mỹ Alexander John-Robert Drueke, 39 tuổi, và Andy Huynh, 27 tuổi. Hai công dân Mỹ này bị các lực lượng Nga bắt sau khi bị tấn công bằng hỏa lực ở khu vực Đông Bắc Kharkov vào ngày 9/6.

Dianna Shaw – dì của Drueke, nói với USA Today rằng Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho gia đình bà rằng họ đã thực hiện các biện pháp cần thiết để liên lạc với phía Nga nhằm thương lượng về việc thả 2 người này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price vào tuần trước cho hay, giới chức Mỹ đã liên lạc với giới chức ở Ukraine và Nga nhưng không được cung cấp chi tiết về vị trí của 2 công dân Mỹ.

Liệu Nga có đồng ý trao đổi tù binh?

Quân đội Nga đã tuyên bố rằng họ coi các công dân nước ngoài chiến đấu cho Ukraine là lính đánh thuê không được bảo vệ với tư cách binh lính theo Công ước Geneva.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã gọi 2 công dân Mỹ trong vụ việc này là “các lính đánh thuê” và số phận của họ sẽ do tòa án quyết định. Ông này không loại trừ án tử hình và tuyên bố “họ cần phải bị trừng phạt”.

Trong một cuộc phỏng vấn với USA Today ở Kiev vào tuần trước, Thiếu tướng Kyrylo Budanov – Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng Ukraine, xác nhận tin tức trên truyền thông Nga cho rằng các công dân Mỹ đang bị giam giữ tại một nhà tù ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine và cho biết “chúng tôi đang nỗ lực trong vụ này”.

Tướng Budanov nói: “Cách thức giải quyết vụ này không dễ dàng. Nó rất phức tạp, nhưng chúng tôi có thấy hướng giải quyết. Có thể sẽ liên quan ít nhiều đến việc trao đổi tù binh. Chúng tôi có trong tay những người mà phía Nga rất cần… Mọi việc sẽ không xong ngay trong 1 hay 2 tuần. Sẽ cần vài tháng”.

Tướng Budanov từ chối bình luận về việc các công dân Mỹ được đối xử ra sao do sợ làm hỏng các nỗ lực phóng thích họ.

Trong khi đó, hôm 24/6, Tổng thống Ukraine Zelensky nói với NBC rằng ông sẽ chiến đấu cho việc phóng thích những người này.

Trở ngại lớn trong quan hệ Nga-Mỹ

William Tayor - cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và Phó Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng trạng thái xấu trong quan hệ ngoại giao hiện nay giữa Mỹ và Nga cản trở các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán của họ tại Kiev và Moscow.

Mỹ đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine và dẫn đầu các nỗ lực trừng phạt tài chính nhằm vào Nga.

Ông Pomeranz cho rằng trong bối cảnh ấy, phía Nga không có thiện chí đàm phán vào lúc này.

Melvyn Levitsky – cựu Đại sứ Mỹ, giáo sư chính sách quốc tế tại Đại học Michigan, cho rằng việc trao đổi tù binh có lẽ dễ dàng hơn vào cuối xung đột, mà hiện nay, cuộc chiến tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.

Theo ông Levitsky, sự hiện diện của tình nguyện viên chiến đấu nước ngoài trên chiến trường Ukraine khiến việc đàm phán sẽ phức tạp hơn nhiều, trái với trường hợp cố gắng hồi hương các nhân vật bị bắt giữ trên cơ sở hệ thống tư pháp Nga.

John-Robert Drueke và Andy Huynh được xem là các công dân Mỹ đầu tiên bị lực lượng Nga bắt giữ kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Cựu Đại sứ Levitsky đánh giá, người Nga sẽ coi các tù nhân này là phương tiện gây ảnh hưởng.

Cả gia đình John-Robert Drueke và Andy Huynh đều bác bỏ cáo buộc của phía Nga cho rằng họ là “lính đánh thuê”. Gia đình 2 người này nói rằng họ tự bỏ tiền túi để sang Ukraine chiến đấu.

Thân nhân của hai người đàn ông này cho biết, họ cùng biến mất vào khoảng ngày 9/6 sau khi đơn vị của họ trúng hỏa lực hạng nặng. Thông tin đến từ các đồng đội của họ trong đơn vị đó.

Các ngày sau đó, truyền hình Nga phát sóng đoạn video ghi hình 2 nam giới này, xác nhận họ còn sống.

Trong clip, Drueke nói vào camera: “Mẹ ơi, con muốn mọi người biết rằng con còn sống và con hy vọng sẽ được về nhà càng sớm càng tốt”.

Chính quyền Mỹ liệu có dốc sức cứu 2 công dân bị bắt?

Công dân Mỹ đã tình nguyện chiến đấu trong nhiều xung đột nước ngoài trước đây, như Nội chiến Tây Ban Nha, Chiến tranh Arab-Israel lần 1, và Nội chiến Syria, theo Nir Arielli – một Phó giáo sư tại Đại học Leeds.

Jason Fritz – Giảng viên tại Đại học John Hopkins cho biết chưa có công dân Mỹ nào sang Syria chiến đấu chống IS mà bị bắt lại được trao trả cho Mỹ. Ông này cho rằng chính quyền Mỹ không sử dụng lực lượng đặc nhiệm để giải cứu những người đó.

Theo Fritz, lực lượng tình nguyện này dù chỉ làm y sĩ hoặc huấn luyện thì phe đối địch cũng ít khả năng nhận ra sự khác biệt đó trừ phi có bằng chứng thực sự thuyết phục.

Vợ sắp cưới của Andy Huynh thì bày tỏ hy vọng cả 2 công dân Mỹ cùng được đối xử theo Công ước Geneva./.

Theo Trung Hiếu (Vov.vn)