Brussels đã quyết định áp dụng cơ chế mới kể từ 29/01, tạo điều kiện cho các nước châu Âu chặn xuất khẩu vaccine, hai quan chức EU tiết lộ với truyền thông hôm 28/01.
Trong những ngày qua, các quan chức EU đã tranh luận về việc kế hoạch chặn xuất khẩu vaccine ra ngoài sẽ bao gồm việc lập chốt chặn ở biên giới, hay chỉ đơn giản là một hệ thống minh bạch. Kế hoạch mạnh tay hơn đã được ủng hộ sau khi các mối quan hệ với hãng sản xuất vaccine AstraZeneca trở nên căng thẳng.
Theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu, EU sẽ chỉ đạo giới chức hải quan chặn xuất khẩu vaccine Covid-19 ra nước ngoài, trừ khi được ủy quyền từ trước. Kế hoạch này sẽ cần được chuyên gia từ 27 nước thành viên ký kết, trong một phiên họp dự kiến diễn ra hôm 29/01.
Các nước EU sẽ chỉ cho phép xuất khẩu ra nước ngoài sau khi đảm bảo rằng các nhà sản xuất đã giao đầy đủ lượng vaccine hứa hẹn trogn "các thỏa thuận đặt hàng trước" với EU.
Do Pfizer/BioNTech và Astra Zeneca đều chưa giao lượng vaccine đúng mục tiêu, điều này đồng nghĩa với việc EU có thể chặn xuất khẩu cho tới khi số lượng vaccine được giao đạt mục tiêu hàng tuần.
Đây được coi là một chính sách cứng rắn. Hồi đầu tuần, Ủy viên châu Âu về Thương mại Valdis Dombrovskis đã hạ thấp khả năng ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19, thay vào đó khẳng định biện pháp mà EU sắp đưa ra chủ yếu tập trung vào minh bạch trong sản xuất và phân phối các sản phẩm này.
Một quan chức EU được hỏi về việc liệu kế hoạch này có khiến các quốc gia như Canada, vốn đang nhận nguồn vaccine từ châu Âu do Mỹ cũng đã áp dụng giới hạn xuất khẩu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm hay không, tuy vậy ông này trả lời đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất vaccine.
"Các công ty cần tự đảm bảo họ có thể đáp ứng nhu cầu hay không," vị quan chức cho biết. Đối với EU, việc kiểm soát xuất khẩu "là vấn đề đảm bảo rằng số tiền chúng ta chi ra sẽ mang lại vaccine cho người dân của chúng ta".
Hai quan chức EU cho biết lệnh chặn xuất khẩu không áp dụng đối với các nước nghèo và đối với Cơ chế tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX).
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)