Lịch sử đằng sau tháp nhọn bị thiêu rụi của nhà thờ Đức Bà Paris

18/04/2019 11:02:22

Tháp nhọn được kiến trúc sư đam mê kiến trúc Gothic cho xây dựng vào giữa thế kỷ 19 bằng 500 tấn gỗ và 250 tấn chì.

16 bức tượng ở chân tháp nhọn nhà thờ Đức Bà Paris được di dời ngày 11/4. 

Tượng 12 tông đồ và biểu tượng 4 nhà truyền giáo ngày 11/4 lơ lửng trên bầu trời Paris khi được cẩu khỏi chân tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà và đưa đến tây nam Pháp để trùng tu. Đó là lần đầu tiên các chuyên gia được nhìn cận cảnh những bức tượng kể từ khi kiến trúc sư đặt chúng xung quanh tháp nhọn hơn 150 năm trước.

Sau khi hỏa hoạn xảy ra ở nhà thờ vào ngày 15/4, người Pháp cảm thấy may mắn khi họ đã di dời các bức tượng vài ngày trước. Chúng là những gì còn sót lại của tháp nhọn đã đứng sững trên bầu trời Paris hơn một thế kỷ cho đến khi nó bị thiêu rụi.

Nhà thờ Đức Bà là công trình tôn giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic ở Pháp, cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345. 

Khi Cách mạng Pháp bùng nổ vào thập niên 1790, nhà thờ Đức Bà bị lãng quên và phá hoại rồi trở nên xuống cấp nghiêm trọng. Một số bức tượng trong nhà thờ bị lực lượng nổi dậy coi là biểu tượng của các đời vua Pháp nên kéo xuống và chặt đầu. Phần lớn chuông đồng bị nấu chảy để chế đại bác.

Tình trạng xập xệ của công trình được nhà văn Victor Hugo đề cập trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris" xuất bản năm 1831. Cuốn tiểu thuyết của Hugo đã khiến dư luận nước Pháp chú ý hơn tới sự xuống cấp của nhà thờ và Napoleon quyết định tiến hành các đợt trùng tu lớn vào giữa thế kỷ 19.

Năm 1844, kiến trúc sư Eugène Emmanuel Viollet-le-Duc, 30 tuổi, cùng với đồng nghiệp Jean-Baptiste Lassus được giao nhiệm vụ trùng tu nhà thờ và thay thế tháp cũ. Tháp nhọn trước đó bị gỡ bỏ khỏi nhà thờ Đức Bà trong khoảng thời gian 1786 - 1791 vì bị hư hại do gió.

Lịch sử đằng sau tháp nhọn bị thiêu rụi của nhà thờ Đức Bà Paris
Tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy ngày 15/4.

Viollet-le-Duc sinh ra trong một gia đình tư sản ở Paris. Ông đam mê kiến trúc Gothic và cho rằng không có lối kiến trúc nào phù hợp hơn nó ở Pháp. Không phải ai cũng có cảm tình với triết lý kiến trúc của Viollet-le-Duc, Stephen Murray, giáo sư lịch sử nghệ thuật thời trung cổ tại Đại học Columbia, cho biết.

Kiến trúc sư này có tầm nhìn khác thường: Đối với ông, phục dựng không có nghĩa là làm cho nhà thờ trông giống trước đây mà nghĩa là đưa nó đến trạng thái các kiến trúc sư ban đầu mơ ước nhưng đã không làm được.

"Đối với một số nhà phê bình, quan điểm này là tự cao tự đại", nhà sử học kiến trúc và nghệ thuật M.F. Hearn viết.

Viollet-le-Duc đã dùng 500 tấn gỗ và 250 tấn chì để tạo ra tháp nhọn làm bằng gỗ được phủ một lớp chì bảo vệ. Tháp được gọi là La fléche (mũi tên).

Ngoài ra, Viollet-le-Duc còn phục dựng mặt tiền phía tây của nhà thờ trong hơn 25 năm, bao gồm những quả chuông, tượng bị chặt đầu và phòng để đồ thờ. Lassus qua đời năm 1857, khiến Viollet-le-Duc có toàn quyền quyết định khi thực hiện tầm nhìn của mình.

Ông không coi Gothic đơn thuần là lối kiến trúc thời thượng vào thời điểm đó mà là một phần không thể xóa nhòa trong bản sắc dân tộc của Pháp.

"Điều thú vị là Viollet-le-Duc không phải là người theo Công giáo", Murray nói. "Ông ấy chỉ là người tin vào sự tài năng của người Pháp".

Lịch sử đằng sau tháp nhọn bị thiêu rụi của nhà thờ Đức Bà Paris - 1
Tượng các tông đồ và biểu tượng của nhà truyền giáo xung quanh tháp nhọn nhà thờ Đức Bà Paris trước khi hỏa hoạn xảy ra. Ảnh: notredamedeparis.

Tháp nhọn đã có ý nghĩa tôn giáo lớn đối với hàng triệu người đến thăm nhà thờ mỗi năm. Trước khi bị lửa thiêu rụi, trên đỉnh của tháp là tượng con gà trống. Năm 1935, tổng giám mục Paris trang trí nó bằng một mảnh Mão gai trên đầu Chúa (vòng gai nhọn mà các binh lính La Mã đội lên đầu Chúa Jesus trước khi đóng đinh ngài lên thập tự giá), làm cho gà trống trở thành một "cột thu lôi thần thánh", bảo vệ tất cả giáo dân bên trong.

Tại chân tháp là tượng 12 tông đồ và biểu tượng người đàn ông có cánh, sư tử, bò và đại bàng tượng trưng cho 4 nhà truyền giáo Matthew, Mark, Luke và John.

Theo trang web của Nhà thờ Đức Bà Paris,Viollet-le-Duc đã cho tạc tượng Thánh Thomas - một trong 12 tông đồ - với những đường nét giống chân dung của chính mình. Đây có thể một cách đánh dấu tác phẩm của kiến trúc sư.

"Tượng Thánh Thomas là bức tượng duy nhất quay mặt vào tháp nhọn thay vì nhìn ra phía ngoài, như thể ông đang ngắm nhìn vẻ đẹp của tháp", Murray nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)