Khoảnh khắc bệnh viện Beirut hứng chịu vụ nổ Nguy cơ sập 60 di sản lịch sử sau vụ nổ Beirut Thủ tướng Lebanon - nhà kỹ trị bị khủng hoảng nhấn chìm Vụ nổ Beirut phơi bày mặt trái của hàng hải quốc tế
Tổng thống Michel Aoun thông báo quyết định trên truyền hình ngày 31/8, khi Mustapha Adib đến dinh tổng thống ở Baabda, phía đông Beirut để gặp Tổng thống và Chủ tịch quốc hội Nabih Berri.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở dinh tổng thống, ông Adib cam kết nhanh chóng khởi động một chính phủ với các chính sách cải cách và xin hỗ trợ tài chính quốc tế. "Cần phải thiết lập chính phủ trong thời gian ngắn kỷ lục và thực hiện cải cách ngay lập tức, bắt đầu bằng một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế".
Adib, 48 tuổi, sinh ra ở thành phố Tripoli tại miền bắc đất nước, là người Hồi giáo dòng Sunni. Năm 2000 - 2004, ông là cố vấn cho cựu thủ tướng Lebanon, tỷ phú Najib Mikati.
Năm 2011, Mikati, khi đó giữ chức thủ tướng, đã bổ nhiệm Adib làm chánh văn phòng nội các. Ông giữ chức đại sứ Lebanon tại Đức từ năm 2013. Theo tiểu sử trên trang web đại sứ quán tại Berlin, ông là học giả có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị, đã thực hiện nhiều nghiên cứu về an ninh, giám sát của quốc hội đối với lĩnh vực an ninh, phân quyền và luật bầu cử.
Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển sau khi kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, phát nổ, khiến 190 người thiệt mạng, 300.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại trực tiếp lên tới 15 tỷ USD. Người dân cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho nạn tham nhũng và sự lãnh đạo kém cỏi của chính phủ Lebanon.
Ngay sau vụ nổ, nhiều quan chức chính phủ Lebanon đã nộp đơn từ chức, như Thủ tướng Hassan Diab, Bộ trưởng Môi trường Lebanon Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad. Tuy nhiên, động thái này không thể xoa dịu lòng dân, khi nhiều người lên tiếng đòi Tổng thống Michel Aoun từ chức. Trong khi đó, Aoun tuyên bố việc ông từ chức sau vụ nổ Beirut là "không thể" vì sẽ tạo khoảng trống quyền lực.
Thảm họa đầu tháng 8 được cho là đòn giáng chí mạng vào Lebanon, đất nước đang chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng chồng chất, từ kinh tế, xã hội cho tới Covid-19. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp.
Theo Phương Vũ (VnExpress.net)