Theo trang tin Newsweek, báo cáo trên, được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 10/3, đã trình bày chi tiết các hoạt động đảm bảo "tự do hàng hải" đang được nước này tiến hành trên toàn cầu, nhằm mục tiêu thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay: "Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp hoặc những học thuyết pháp lý rời rạc về các quyền trên biển, những thứ không phù hợp đối với những luật quốc tế được phản ánh trong UNCLOS, đều gây ra mối đe dọa đối với nền tảng pháp lý của một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Do đó, Mỹ cam kết sẽ đối đầu với mối đe dọa này bằng việc thách thức những yêu sách hàng hải quá khích".
Đề cập đến thực tiễn của các hoạt động tự do hàng hải, gọi tắt là FONOP, báo cáo cho biết "việc thực hiện một cách toàn diện, thường xuyên và định kỳ các hoạt động này nhằm củng cố cho những cam kết của Bộ Ngoại giao Mỹ, và hỗ trợ những lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ đối với tự do hàng hải trên toàn thế giới".
Báo cáo đã chỉ ra ít nhất 9 hoạt động hướng đến việc thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, trong năm hoạt động được xem là bận rộn nhất của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại. Các hoạt động này đều diễn ra ở Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông, và được trình bày với những giải thích cụ thể theo từng loại hình.
Tại Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc thường xuyên đưa phương tiện áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, các hoạt động của Mỹ đã thách thức "những hạn chế đối với máy bay nước ngoài di chuyển qua Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) mà không có ý định đi vào không phận các nước lân cận".
Ở Biển Đông, nơi quân đội Trung Quốc đang xây dựng trái phép các căn cứ, quân đội Mỹ đã thách thức những thứ được cho là "yêu sách về đường cơ sở" của Bắc Kinh, cùng những yêu cầu "cần có sự cho phép từ trước để các quân sự nước ngoài có thể vô tư đi qua vùng lãnh hải và vùng trời xung quanh các thực thể địa lý chưa có chủ quyền".
Các lực lượng của Mỹ cũng đã giải quyết những cáo buộc liên quan đến việc "hình sự hóa các hoạt động đo đạc và vẽ bản đồ của các thực thể nước ngoài chưa được sự chấp thuận hoặc hợp tác với Trung Quốc". Chúng bao gồm "quyền tài phán đối với tất cả các hoạt động đo đạc và vẽ bản đồ “trong vùng lãnh thổ, vùng nước và không phận, cũng như các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, mà không có sự phân biệt giữa nghiên cứu khoa học trên biển và khảo sát quân sự”, cùng với "quyền tài phán an ninh đối với vùng tiếp giáp" giữa các vùng nước.
Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các lập luận cho những hoạt động thách thức từ phía Mỹ, vốn đều diễn ra dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Trump từng giám sát thêm ít nhất 3 hoạt động tương tự. Người kế nhiệm ông, Tổng thống Joe Biden, kể từ đó cũng đã triển khai ít nhất 2 hoạt động có mục đích đối phó với Trung Quốc.
Hải quân Mỹ từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc trên biển. Hôm 9/3, Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng cán cân quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “đang trở nên bất lợi hơn” đối với Mỹ và các đồng minh của mình.
Trong một tuyên bố gần đây gửi tới Newsweek, Courtney Hillson, Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thông tin của Hải quân Mỹ, cho biết "toàn bộ sự phát triển của hải quân và lục quân Trung Quốc, cả về nguồn lực và năng lực, là điều rất đáng quan ngại".
"Trung Quốc đã triển khai một hạm đội nhiều lớp bao gồm hải quân, hải cảnh, cùng các lực lượng dân quân biển… để phá hoại chủ quyền của các quốc gia khác và thực thi các tuyên bố trái pháp luật", bà Hillson cho biết. "Nước này tiếp tục cưỡng chế các nguồn lực quan trọng từ những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, quân sự hóa các khu vực có tranh chấp trên Biển Đông, và đang phát triển lực lượng tên lửa lớn nhất thế giới".
Dù vậy, Phó Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thông tin của Hải quân Mỹ vẫn khẳng định, nước này sẽ tiếp tục đối đầu với Trung Quốc để đảm bảo quyền tự do hàng hải đối với tất cả các nước.
“Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục di chuyển máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và đối tác để đối đầu với hành vi phi pháp của Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn và phản đối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm từng bước phá hoại một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", bà Hillson nhấn mạnh trong tuyên bố.
Theo Việt Anh (VietNamNet)