Lập trường 'xoay như chong chóng' của Trump khiến đồng minh hoang mang

26/05/2018 16:20:34

Việc thay đổi quyết định đột ngột của Trump có thể khiến Mỹ giảm uy tín, gây khó khăn cho nỗ lực gây áp lực tối đa với Triều Tiên.

Lập trường 'xoay như chong chóng' của Trump khiến đồng minh hoang mang
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Tổng thống Hàn Moon Jae-in tại Nhà Trắng ngày 22/5.

Sau một năm cầm quyền của Donald Trump, các lãnh đạo châu Á ngày càng quen với sự khó đoán của Tổng thống Mỹ. Nhưng cách ông đưa ra quyết định về kế hoạch họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un: nhận lời mời, hủy bỏ sau một tháng nhưng một ngày sau lại nói rằng nó vẫn có thể diễn ra như kế hoạch, biến sự khó đoán của ông chủ Nhà Trắng lên một tầm mới.

Trump đã đưa ra các quyết định này mà không tham khảo ý kiến đồng minh trong khu vực, làm gia tăng nghi ngờ về cách Mỹ đối xử với các đối tác ở châu Á và định hướng dài hạn chính sách của Mỹ với khu vực này. "Sự thiếu phối hợp thực sự làm cho chính quyền Trump trở nên thiếu năng lực và quản lý kém trong mắt đồng minh", Jenny Town, biên tập viên quản lý trang 38 North chuyên nghiên cứu Triều Tiên nhận xét.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người rất nỗ lực đưa Trump và Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán. Ông còn nhiệt tình ca ngợi Tổng thống Mỹ, nói rằng ông xứng đáng được giải Nobel Hòa bình. Thế nhưng Moon chỉ biết tin Trump hủy hội nghị thượng đỉnh khi từ Washington trở về Seoul, sau khi ông đã họp với Trump tại Phòng Bầu dục để bàn chi tiết về cuộc họp dự kiến tại Singapore.

Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, dường như đã thể hiện sự bối rối khi trả lời phóng viên "chúng tôi đang cố gắng hiểu chính xác ý ông Trump là gì" sau khi Mỹ công bố tin.

Một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang trên đường tới Nga để gặp Tổng thống Nga Putin khi Trump công bố quyết định hủy họp với Kim. Các trợ lý của ông đã phải hối hả cố gắng bắt kịp tin tức mới sau khi Abe hạ cánh tại St. Petersburg.

Theo NYTimes, các hành động của Trump khiến Kim Jong-un và các cố vấn của mình hiện lên như những nhà ngoại giao chín chắn hơn. Sau khi nhận được thư hủy họp, Triều Tiên ngày 25/5 thể hiện giọng điệu kiềm chế khi nói rằng họ sẵn sàng gặp Mỹ "bất cứ lúc nào, dưới mọi hình thức, để giải quyết vấn đề".

"Tôi phải nói rằng Kim Jong-un đã rất khéo léo", Jon Wolfsthal, một học giả về chương trình chính sách hạt nhân tại trung tâm tâm nghiên cứu Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá. "Ông ấy đã chơi rất tốt ván này khi thể hiện mình như một nhà hòa giải ổn định có suy nghĩ hợp lý, trong khi Trump thì quá khó đoán".

Các hành động của Trump có thể gây lo lắng cho các đồng minh khu vực coi Mỹ như một đối tác có thể bảo vệ họ không chỉ trước Triều Tiên mà còn trước sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, Trump không chỉ đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn công bố các chính sách ảnh hưởng đến cả các đồng minh.

Dù có mối quan hệ tốt với Abe, chính quyền Trump không cho Nhật Bản miễn thuế thép và nhôm. Đầu tuần này, họ đã công bố một cuộc điều tra thương mại có thể dẫn đến việc áp thuế xe với các đồng minh bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Những hành động đó có thể khiến các lãnh đạo châu Á quay sang phía Trung Quốc mặc dù họ không hoàn toàn tin tưởng vào Bắc Kinh.

"Vấn đề nan giải nằm ở thực tế là hầu hết đồng minh châu Á phụ thuộc vào Mỹ để bảo đảm an ninh trong khi lại dựa vào Trung Quốc về kinh tế", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Kyungnam ở Changwon, Hàn Quốc, nhận xét.

Nếu Mỹ rút khỏi khu vực, các đồng minh của Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng khoảng trống để trở nên quyết liệt hơn trong các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và sử dụng các ưu đãi kinh tế để gây ảnh hưởng với các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á.

Một số nhà phân tích nói rằng sự thay đổi liên tục của Trump về hội nghị thượng đỉnh với Kim có thể khiến việc giữ áp lực với Triều Tiên khó khăn. "Triều Tiên đã thoát ra khỏi áp lực tối đa và tôi không tin Trump có thể áp đặt lại", Gordon Flake, giám đốc điều hành của Trung tâm Perth USAsia tại Đại học Tây Australia, nói.

Ông chỉ ra rằng sau cuộc họp lịch sử giữa Kim và Moon ở Panmunjom hồi tháng trước, Hàn Quốc sẽ miễn cưỡng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn với Triều Tiên.

Flake nói thêm rằng điều quan trọng là Trung Quốc, bên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, ít khả năng thực hiện bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. "Tại sao họ phải làm điều đó, khi giờ đây theo quan điểm của chính phủ và người dân Trung Quốc thì bên khiêu khích là Trump".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)