Bán đảo Triều Tiên nhìn thấy 'hòa bình bị tước khỏi tay'

26/05/2018 13:43:06

Dù triển vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn đã được nối lại, nhiều người dân Hàn Quốc và Triều Tiên, vốn luôn mong mỏi hòa bình và đoàn tụ, cảm thấy niềm hy vọng lung lay dần.

Tối 24/5, Hwang Yeon đang chuẩn bị cho cậu con trai bảy tuổi đi ngủ thì một loạt thông báo tràn ngập điện thoại của cô.

"Tôi tự hỏi điều gì xảy ra rồi sau đó phát hiện ra tin xấu", cô kể với BBC News qua email từ ngôi nhà ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Người mẹ của hai đứa con trai đã rời khỏi Triều Tiên vào năm 2006. Buổi tối hôm đó, cô nhận được tin Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi cuộc gặp rất được chờ đợi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. 

Cảm giác nặng nề tràn qua khi cô khi lướt KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin nhanh phổ biến nhất tại Hàn Quốc.

"Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông ấy không còn muốn gặp Kim Jong Un nữa. Tất cả những cuộc đàm phán hòa bình đó chẳng có nghĩa lý gì cả", cô nói, thừa nhận mình đã lặng lẽ khóc trên ghế sofa.

Bán đảo Triều Tiên nhìn thấy 'hòa bình bị tước khỏi tay'
Một đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi khóc khi theo dõi cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae In hồi tháng 4. Ảnh: Getty.

Bình Nhưỡng tuyên bố vẫn sẵn sàng nói chuyện sau quyết định hủy gặp của ông Trump. Tổng thống Trump đáp lại bằng tuyên bố cuộc gặp "có thể vẫn diễn ra", nhưng triển vọng về hội nghị thượng đỉnh không còn chắc chắn và sự hứng khởi cũng khó được như lúc đầu.

"Tôi sinh ra ở Triều Tiên và bây giờ là công dân Hàn Quốc. Cả hai đất nước đều là thế giới của tôi và tất nhiên, tôi muốn những gì tốt nhất", Hwang nói. "Đã hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn nghĩ về cuộc sống của mình ở miền Bắc và rất muốn gặp lại bạn bè và người thân, những người tôi đã bỏ lại".

"Bạn không thể tưởng tượng được cảm giác mong mỏi hòa bình quá lâu và rồi thấy điều đó bị tước mất".

Thất vọng và hy vọng

Trên Naver, cổng thông tin Internet lớn nhất của Hàn Quốc, các từ khóa liên quan đến cuộc hẹn tháng 6 mong manh vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách từ khóa phổ biến nhất.

"Tôi biết điều này sẽ xảy ra", một người dùng giận dữ chỉ trích ông Trump. "Ông ta không bao giờ muốn hai nước chúng ta thống nhất. Ông ta có những kế hoạch khác".

Một người dùng khác nói: "Không ai tin ông cả, Trump à. Không chỉ Hàn Quốc, ông cũng đã phá vỡ lời hứa với Iran. Liệu ông thậm chí có thể tin vào chính mình không?".

"Chúng tôi đã chờ đợi hòa bình trong hơn 60 năm", một tài khoản khác than thở. "Nhưng ai mà biết được? Có lẽ hai nhà lãnh đạo mạnh mẽ này lại sớm đạt được một sự đồng thuận".

Bán đảo Triều Tiên nhìn thấy 'hòa bình bị tước khỏi tay' - 1
Một người tham gia cuộc biểu tình gần đại sứ quán Mỹ tại Seoul vào ngày 25/5. 

Casey Lartigue, đồng sáng lập tổ chức hỗ trợ người tị nạn Triều Tiên TNKR có trụ sở tại Seoul cho biết mình đã dự đoán hội nghị thượng đỉnh sẽ bị hủy bỏ "ít nhất một lần".

"Tôi không bao giờ nghĩ mọi thứ diễn ra trôi chảy, vì vậy tôi chẳng hề ngạc nhiên", Lartigue nói với BBC, cho biết thêm rằng có rất nhiều nỗi thất vọng từ phía người Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Lartigue cũng khẳng định nhiều người đào thoát khỏi Triều Tiên mà ông biết rất thực tế. "Những người Triều Tiên mà tôi biết ở đây đều không bất ngờ. Họ đã nhìn thấy và trải qua rất nhiều thứ nhưng vẫn mang hy vọng".

"Một phần của quá trình"

Ken Eom, 37 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Triều Tiên hơn một thập kỷ. Anh hiện sống ở Seoul.

"Tôi không ngạc nhiên hay bực mình. Đất nước tôi đang cố gắng 'thử' Donald Trump nhưng ông ấy là một nhà lãnh đạo theo kiểu khác, ông ấy vẫn mang dáng dấp doanh nhân nhiều hơn và không nghĩ về chính trị", Ken Eom nói.

"Ông ấy có thể coi đây như là một thỏa thuận kinh doanh và nếu có vẻ như nó sẽ không xảy ra, thì ông ấy bước ra khỏi bàn đàm phán. Triều Tiên có thể khó đoán trước được nhưng ông Trump thậm chí còn hơn thế nữa, nên tôi nghĩ đây chỉ là một phần của quá trình đàm phán".

Bán đảo Triều Tiên nhìn thấy 'hòa bình bị tước khỏi tay' - 2
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc cầm tay nhau bước qua biên giới trong cuộc gặp hồi tháng 4. 

Khi đọc bức thư của ông Trump gửi ông Kim cho người mẹ của mình, Lee Sa Hee bắt gặp một từ mà cô không hiểu.

"Khi tra được, tôi đã bị sốc bởi cách mà mọi thứ diễn ra", cô nói.

Mong đợi chiến thuật gây sốc từ cả hai nhà lãnh đạo, nhưng những diễn biến mới trước cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 12/6 đã khiến cô gái Triều Tiên cảm thấy vô cùng thất vọng.

"Chúng tôi không thể từ bỏ hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tôi hy vọng rằng cuối cùng điều đó có thể dẫn đến một giải pháp tốt hơn", cô nói.

"Là một người Triều Tiên, tôi cảm thấy tiếc cho cả Moon Jae In và Kim Jong Un. Kim có thể bị tổn thương bởi ông ấy đã quyết định lần đầu cởi mở với thế giới để rồi bị từ chối", Lee giãi bày. "Tôi lo lắng rằng ông Trump đã khiến mọi việc trở nên nguy hiểm hơn đối với chúng tôi và tôi chỉ hy vọng rằng không ai cố ý gây kích động nữa".

Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)