Độ khó đến mức sinh viên đại học cũng không thể chắc chắn đáp án
Theo đó, đài KBS phát sóng gần đây đã đăng tải một phóng sự vạch trần thực trạng giáo dục tại các cơ sở tư thục của Hàn Quốc với chủ đề “Kỳ thi 7 tuổi dành cho ai?”.
Phóng sự ghi lại hình ảnh một buổi sáng cuối tuần, trước khu vực trung tâm ngoại ngữ nổi tiếng tại Daechi, Gangnam, Seoul (Hàn Quốc) với một hàng dài phụ huynh cùng học sinh đến tham gia kỳ thi tuyển sinh. Những đứa trẻ này đều chỉ mới chuẩn bị bước vào tiểu học và đến đây để tham gia “kỳ thi 7 tuổi”. Thậm chí, một vài em còn khóc nức nở.
Được biết, tổng số trẻ tham gia vào kỳ thi tại trung tâm ngoại ngữ này lên tới con số 1.200, thậm chí có nhiều em đã không thể đăng ký dự thi vì hết chỗ.
Một người phụ nữ đưa con mình tới thi không ngừng lo lắng: “Cháu mới 7 tuổi, đây là lần đầu tiên bé đi thi nên tôi không biết con mình có thể làm tốt không”.
Được biết, đề thi trong kỳ thi này gồm nhiều đoạn văn dài, yêu cầu trẻ đọc hiểu, suy luận cũng như trả lời 30 câu hỏi.
“Kỳ thi này được chia làm 3 phần, dựa trên chương trình giảng dạy của Mỹ, học sinh sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí như đọc hiểu, từ vựng, ngữ pháp, viết câu luận ngắn, cấu trúc câu. Sau đó, người thi cũng sẽ có một phần thi vấn đáp tiếng Anh 1 - 1 với giáo viên”, một gia sư chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ cho biết. “Về cả khối lượng bài thi hay quá trình ôn tập đều quá khó với một đứa trẻ chưa đến 7 tuổi bởi khối lượng kiến thức là vô cùng lớn, trẻ nhất định sẽ gặp khó khăn.”
Những tờ đề thi dày đặc chữ đã khiến nhiều người không khỏi sốc khi chứng kiến. Để vượt qua những bài thi này, thậm chí dù là học sinh trung học hay sinh viên Đại học Quốc gia Seoul cũng phải thừa nhận rằng quá khó.
"Em thậm chí không thể tưởng tượng rằng một học sinh tiểu học có thể giải được chúng. Một số câu khó đến mức em cũng không chắc về đáp án" - Một nhóm các sinh viên Đại học Quốc gia Seoul - đại học số 1 xứ sở kim chi cho hay.
"Một dạng bạo hành trí tuệ"
Kim Hyun, một giáo viên tiếng Anh với 29 năm kinh nghiệm, cho biết: "Loại câu hỏi này giống như bài thi CSAT (Kỳ thi đại học Hàn Quốc). Họ yêu cầu những đứa trẻ 7 tuổi phải đưa ra những suy luận như vậy bằng tiếng Anh. Đây là một dạng bạo hành trí tuệ".
Jiyeon Jeong, một giáo viên tiếng Anh có 20 năm kinh nghiệm ở trường trung học cơ sở, cũng chỉ trích: "Thật đáng ngạc nhiên khi những học sinh còn chưa bước chân vào trường tiểu học đã phải giải những câu hỏi trong bài thi này. Họ đang bắt những đứa trẻ ấy phải giải các câu hỏi đọc hiểu dài xuất hiện trong các kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 10."
Do độ khó của kỳ thi, một số trẻ còn được cho đến các trung tâm học thêm khác, thậm chí là thuê gia sư kèm riêng để vượt qua được qua kỳ thi vào các trung tâm ngoại ngữ danh tiếng như trên. Nhiều người cho rằng, đây chính là mục đích cuối cùng của các cơ sở giáo dục tư nhân tại Hàn Quốc - khiến độ tuổi của trẻ theo học tại các trung tâm không ngừng trẻ hoá, thúc đẩy nhu cầu tăng cao. Thay vì chỉ học tại trường mẫu giáo, có các hoạt động đúng với độ tuổi, trẻ lại bị ép đến trung tâm học từ rất sớm để có thể vượt qua các kỳ thi gắt gao.
Ngoài kỳ thi 7 tuổi tại trung tâm tiếng Anh này, một phụ huynh còn chia sẻ sẽ cho con đến dự thi tại một trung tâm toán học nổi tiếng khác - nơi có số lượng hồ sơ đăng ký cao gấp 5 lần số lượng tuyển sinh.
Các chuyên gia không ngừng bày tỏ sự lo ngại rằng, áp lực học tập lớn ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Giáo sư Kim Boong-nyeon thuộc Khoa Tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Đại học Quốc gia Seoul cảnh báo: "Giai đoạn từ 4 đến 7 tuổi là giai đoạn hình thành các kết nối thần kinh quan trọng của thùy trán, nếu áp lực quá lớn, xảy ra vấn đề trong giai đoạn này có thể khiến trẻ có thể rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm và thậm chí có khả năng hình thành tính cách hung hăng, nổi loạn rất cao".
Theo Phạm Trang (Nguoiduatin.vn)