Một ngày mùa thu năm Vạn Lịch thứ 7 (tức năm 1579) thời nhà Minh, tại ngôi làng ở huyện Diêm Thành, phủ Hoài An, Nam Trực Lệ đã xảy ra trận hỏa hoạn lớn.
Ngày hôm đó là ngày chàng trai Trương Kiến Kiều cử hành hôn lễ, rất đông người thân và bạn bè đến dự tiệc, mãi đến nửa đêm mới rời đi. Ai ngờ, sau khi tân lang bước vào động phòng thì căn phòng bỗng nhiên bốc cháy. Phải mất hơn nửa canh giờ mới có thể khống chế được ngọn lửa nhưng căn phòng đã bị thiêu rụi hoàn toàn, tân lang và tân nương không thể thoát ra ngoài. Trong đống đổ nát, dân làng tìm thấy 2 thi thể đã cháy đen. Một sự kiện hạnh phúc nhưng nay đã trở thành cảnh tượng tang thương.
Tri huyện Diêm Thành lúc bấy giờ là Dương Thụy Vân, sau khi nhận được báo cáo từ cấp dưới đã cho người điều tra. Tại hiện trường vụ cháy, trên giường không có ai, sau cửa có 1 thi thể, sau giường có 1 đầu người và cả 2 đều bị cháy xém không thể nhận dạng.
Khi khám nghiệm tử thi mới phát hiện 1 thi thể nam giới có vết cắt ở cổ, rõ ràng là đã bị giết chết trước bị cháy trong biển lửa. Với phần đầu nữ giới ở sau giường, họ nhận ra sau tai của người này có lỗ thủng nhỏ. Dương Tri huyện xác định, đây là một vụ giết người sau đó phóng hỏa.
Dương Tri huyện bắt đầu kiểm tra mọi ngóc ngách trong căn phòng bị cháy rồi hỏi Bảo trưởng tình hình lúc xảy ra vụ cháy như thế nào. Bảo trưởng trả lời, lúc đó người dân đứng bên ngoài tát nước dập lửa nhưng không ai dám chạy vào bên trong cứu người. Sau khi tắt lửa, Bảo trưởng vào trong khám xét và đưa 2 thi thể về huyện phủ mà không cho bất cứ người dân nào bước vào hiện trường.
Nghe được những lời này, Dương Tri huyện suy nghĩ một hồi lâu rồi suy đoán đây có thể là một vụ án giết người vì tình. Gã gian phu đã trốn trong phòng từ trước, khi tân lang vừa bước vào thì hắn đã ra tay giết chết, sau đó phóng hỏa rồi đưa cô dâu trốn đi. Tuy không lý giải được về cái đầu ở sau giường nhưng ông chắc chắn nó được đặt ở vị trí này là có chủ ý nào đó.
Sau khi ra lệnh cho Bảo trưởng chôn xác chết, Dương Tri huyện hồi phủ và kể cho vợ nghe về vụ án này. Người vợ đã trả lời: "Người nào chẳng biết rõ 'tam tòng' của phụ nữ, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Cả đời người phụ nữ đều phụ thuộc vào đàn ông. Nếu mà tân nương đã trốn đi rồi nhưng phụ thân của tân nương vẫn luôn ở đấy. Vậy tại sao không bắt đầu tìm manh mối từ gia đình cô ấy?".
Cảm thấy vợ nói có lý nên ngày hôm sau, Dương Tri huyện sắp xếp công vụ, thay trang phục rồi cùng 2 người thân tín đến nhà mẹ đẻ của tân nương. Ông giả thành một thương nhân thu mua hàng hóa rồi hỏi thăm tình hình.
Lúc này, phụ mẫu của tân nương rất buồn phiền và cho biết, con gái đã xuất giá 5 ngày rồi nhưng không biết tại sao vẫn chưa về thăm nhà lần nào. Họ đã để con trai đi thăm dò nhưng người này chưa trở về báo tin.
Sau đó Dương Tri huyện tiếp tục đến hỏi thăm các gia đình lân cận thì được biết, trong làng có một chàng trai tên là Vương Ứng Tư, năm nay 20 tuổi và là thanh mai trúc mã của tân nương. Vào ngày tân nương về nhà chồng, Vương Ứng Tư không đi tiễn mà một mình đến nghĩa trang.
Cảm thấy sự việc này có điểm đáng nghi, Dương Tri huyện mới ra nghĩa trang điều tra thì phát hiện có một ngôi mộ phủ đất mới đắp lên. Rất nhanh sau đó, ông đã tìm được danh tính người thân của ngôi mộ này và dẫn người đó đến nghĩa trang. Khi thấy tình cảnh trước mắt, người đàn ông mới hoảng hốt: "Đây là nơi cháu dâu của tôi an nghỉ, bởi vì khó sinh nên cả hai mẹ con đã mất. Nhưng đã chôn hơn 3 tháng rồi, tại sao bây giờ lại thành ngôi mộ mới?".
Lúc này, Dương Tri huyện mới tiết lộ thân phận và đề nghị được mở nắp quan tài để kiểm tra. Tất nhiên, người đàn ông kia không dám phản đối.
Khi mở nắp quan tài, xuất hiện trước mặt họ là một thi thể không đầu. Ngay lập tức, Dương Tri huyện nghĩ ngay đến phần đầu bị cháy xém ở hiện trường và cho người về huyện phủ mang phần đầu đó đến đây. Phần đầu và phần thân thi thể vừa khít với nhau. Vậy thì, tại sao phần đầu người đó lại xuất hiện ở một nơi cách đó hàng trăm dặm?
Xác định Vương Ứng Tư là nghi phạm lớn nhất, Dương Tri huyện liền phái người đến nhà hắn thì được biết hắn đã bỏ đi từ ngày tân nương xuất giá và hiện tại không ai biết hắn đang ở đâu. Với quyết tâm bắt được nghi phạm, Dương Tri huyện cho người vẽ lại chân dung Vương Ứng Tư và tân nương rồi ra thời hạn 3 tháng người lính nào bắt được sẽ được thưởng, những người còn lại sẽ bị phạt đánh 20 gậy.
2 tháng sau vẫn chưa bắt được kẻ bị truy nã nên quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm. Một ngày nọ, 1 nha dịch già và 2 nha dịch trẻ tuổi đến tìm manh mối ở một ngọn đồi cách huyện thành 200 dặm. Giữa ngọn đồi hoang vu, họ phát hiện 1 ngôi nhà đất 2 gian, xung quanh có hàng rào bằng gỗ. Họ đánh liều gõ cửa thì từ bên trong một phụ nữ trẻ đẹp vừa mở cửa vừa nói: "Tại sao lại đến đây gõ cửa?".
Lão nha dịch nói: "Năm nay mất mùa nên tôi đưa 2 đứa cháu đi lánh nạn đói và bị lạc. Bây giờ tôi khát nước lắm, hi vọng nương tử cho tôi xin một ngụm nước". Người phụ nữ đáp lời: "Nghe giọng của ông, hình như ông là người huyện Diêm Thành, tôi cũng là người huyện Diêm Thành, cũng đến đây lánh nạn đói cùng chồng. Mời vào nhà, tôi đi pha trà cho ông".
Bên trong ngôi nhà đơn sơ, chỉ có bếp lò và chiếc bàn, ngoài ra không còn vật dụng gì cả. Lão nha dịch hỏi: "Chồng cô đi đâu rồi?". Người kia đáp: "Chàng vào thành bán củi, sẽ về nhanh thôi".
Trong khi lão nha dịch đang hỏi chuyện để phân tán sự chú ý thì hai nha dịch trẻ lấy ảnh truy nã ra xem. Xác định đây đúng là vị tân nương mất tích, họ rất mừng nhưng vẫn bình tĩnh chờ người chồng về. Khi người chồng vừa đặt chân đến cổng rào, các nha dịch đã nhận ra đó chính là Vương Ứng Tư và bắt cả hai người đưa về huyện phủ.
Biết tin nghi phạm bị bắt, Dương Tri huyện rất phấn khởi và lập tức ban thưởng mỗi người 1 lượng bạc. Về phần Vương Ứng Tư, khi bị bắt là hắn đã biết mọi chuyện đã bại lộ, nên không giấu giếm gì và nhận mọi trách nhiệm.
Hóa ra, Vương Ứng Tư và tân nương quen biết nhau từ bé và đã nảy sinh tình cảm. Khi lớn lên, hắn đưa cha mẹ đến hỏi cưới thanh mai trúc mã thì bị gia đình tân nương từ chối vì không muốn con gái cưới người cùng làng. Sau đó họ gả con gái đi xa.
Không thuyết phục được cha mẹ tân nương, cũng không đành lòng để người thương đi lấy chồng nên Vương Ứng Tư nảy ra kế hoạch kinh khủng vào ngày thành hôn. Vốn dĩ hắn muốn sử dụng thi thể người phụ nữ đã mất thay thế cho tân nương nhưng vì quá nặng nên hắn chỉ có thể mang theo phần đầu đến nhà tân lang Trương Kiến Kiều.
Lợi dụng lúc gia đình tân lang bận rộn, hắn lẻn vào phòng tân hôn, kéo tân nương trốn vào một góc. Sau đó Vương Ứng Tư trùm khăn hỉ lên đầu và ngồi im trên giường, đợi tân lang vào phòng.
Sau khi tiếp khách xong, Trương Kiến Kiều vào phòng và kéo khăn hỉ lên. Ngay lúc đó một con dao đã đâm thẳng vào cổ tân lang khiến người này ngã lăn ra đất mà chưa kịp kêu lên tiếng nào.
Tiếp đó, Vương Ứng Tư rưới dầu trong cây đèn lên người tân lang và phần đầu hắn mang theo rồi nhóm lửa. Trong khi dân làng đang tìm cách dập lửa thì hắn đã kéo tân nương rời đi.
Dựa theo "Luật Đại Minh", người vợ ngoại tình và thông đồng với nhân tình giết chồng sẽ bị xử tử cả 2. Nếu gã nhân tình tự sát, còn người vợ không hề biết chuyện gì thì chỉ bị phạt tù. Mấu chốt ở vụ án này là tân nương có biết kế hoạch của Vương Ứng Tư hay không.
Vương Ứng Tư biết rõ kết cục sẽ như thế nào nếu bị bắt, chỉ mong tân nương có thể tiếp tục sống nên hắn đã chủ động nhận hết tội lỗi về mình. Hắn khai chính hắn đã ép buộc tân nương bỏ trốn cùng mình. Tân nương lúc đó cũng không phản đối lời khai của Vương Ứng Tư. Do đó, Dương Tri huyện không thể kết án tử hình với tân nương.
"Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành", câu nói này có thể diễn tả hoàn toàn tình yêu giữa Vương Ứng Tư và vị tân nương kia. Vào ngày Vương Ứng Tư bị hành quyết, tân nương ở trong tù cũng suy sụp dần rồi qua đời.
Theo Thùy Linh (Trí Thức Trẻ)