Thuận Trị là vị Hoàng đế đầu tiên của triều Thanh, ông lên ngôi khi mới 6 tuổi và qua đời năm 24 tuổi, tại vị tổng cộng 18 năm. Suốt 18 năm đấy, Hoàng đế Thuận Trị có 31 hậu phi, trong đó có 3 vị Hoàng hậu: Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, Hiếu Khang Chương Hoàng hậu (sinh mẫu của Hoàng đế Khang Hi) và Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu (tức Đổng Ngạc phi, được truy phong Hoàng hậu sau khi mất).
Trong 28 phi tần còn lại có một người được ban phong hiệu kỳ lạ nhất, đó chính là Bút Thập Hách Ngạch Niết Phúc tấn.
Vậy, tại sao Hoàng đế Thuận Trị lại ban phong hào Bút Thập Hách Ngạch Niết Phúc tấn?
Như đã biết, trong thời kỳ Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực, thê tử của hoàng tộc Mãn Thanh được gọi là Phúc tấn. Chẳng hạn như, Nỗ Nhĩ Cáp Xích có 4 vị Đại Phúc tấn là Đích Phúc tấn Đông Giai thị, Kế Phúc tấn Phú Sát thị, Đại Phúc tấn Diệp Hách Na Lạp thị và Đại Phúc tấn Ô Lạp Na Lạp thị.
Hoàng Thái Cực cũng có 3 vị Đại Phúc tấn là Đích Phúc tấn Nữu Hỗ Lộc thị, Đại Phúc tấn Ô Lạp Nạp Lạt thị và Quốc quân Phúc tấn Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị.
Những phi tần có địa vị thấp hơn được gọi là Trắc Phúc tấn, Thứ Phúc tấn.
Sau khi Hoàng đế Thuận Trị kế vị, hệ thống phân vị hậu phi nhà Thanh vẫn chưa hoàn thiện, các phong hào hậu phi triều trước vẫn còn được giữ lại, đồng thời xuất hiện thêm các tên gọi tương tự như Phúc tấn và Cách cách.
Về ý nghĩa của phong hào Bút Thập Hách Ngạch Niết Phúc tấn, các nhà sử học trả lời rằng, "Ngạch Niết" trong tiếng Mãn là ngạch nương, nghĩa là mẫu thân; "Phúc tấn" là phẩm cấp; và "Bút Thập Hách" có thể là họ của người này. Nhưng tất cả chỉ là suy đoán, sự thật như thế nào thì cần phải nghiên cứu thêm.
Đại hôn của Hoàng đế luôn là một trong những sự kiện quan trọng nhất của triều đình. Để đảm bảo Hoàng đế có thể nhanh chóng thích nghi với cuộc sống hôn nhân, Chiêu Thánh Hoàng thái hậu đã an bài một vài cung nữ bầu bạn với Hoàng đế Thuận Trị một thời gian trước khi thành hôn. Và đó là cách cung nữ Bút Thập Hách thị đến bên cạnh Hoàng đế.
Không có tài liệu lịch sử nào ghi chép lại gia thế của Bút Thập Hách thị. Nhưng điều bất ngờ hơn là cung nữ Bút Thập Hách thị đã chiếm được sự yêu thích của Hoàng đế Thuận Trị. Vì dung mạo xinh đẹp, khí chất dịu dàng nên lọt vào tầm mắt của Hoàng đế Thuận Trị, thường xuyên ở bên cạnh và dần trở thành phi tần của ông.
Năm Thuận Trị thứ 8 (tức năm 1651), Bút Thập Hách thị hạ sinh con trai đầu tiên của Hoàng đế Thuận Trị khi Hoàng đế chỉ mới 14 tuổi. Ông vui mừng khôn xiết và hạ lệnh nâng nàng thành phi tử của mình.
Nhưng hạnh phúc không bao lâu, Hoàng trưởng tử không may chết yểu sau 89 ngày. Tuy nhiên, Hoàng đế Thuận Trị cũng không vì thế mà đối xử lạnh nhạt với nàng, ông càng sủng ái nàng hơn gấp bội.
Sau đó, Hoàng đế Thuận Trị cử hành đại hôn. Nhưng dù sách lập nữ nhân khác thành Hoàng hậu nhưng Hoàng đế vẫn rất yêu thương Bút Thập Hách thị.
Trong 3 năm tiếp theo, Bút Thập Hách thị còn sinh cho Hoàng đế 2 người con gái (là Hoàng tam nữ và Hoàng ngũ nữ), chứng tỏ nàng vẫn được Hoàng đế sủng ái vô cùng. Tuy nhiên số phận của 2 vị công chúa này cũng vô cùng bi thảm, đều mất khi chưa đến 7 tuổi.
Đến khi Đổng Ngạc phi nhập cung, Hoàng đế Thuận Trị đã không còn tâm trí để ý đến Bút Thập Hách thị nữa. Thời gian trôi đi, dung mạo mỹ miều của Bút Thập Hách thị không còn như xưa, dần mất đi sự sủng ái của Hoàng đế.
Xuất thân của nàng cũng không hề cao quý, cho nên cuộc sống trong cung cấm ngày càng khó khăn hơn, thường xuyên bị những phi tần khác chèn ép. Sau nhiều năm sống đơn côi ở hậu cung, nàng không may mắc bệnh nặng rồi qua đời trong cô đơn nơi tẩm cung.
Bút Thập Hách thị đã lặng lẽ ra đi giữa hoàng cung nhà Thanh, đáng thương hơn nữa là thân phận thật sự của nàng cũng không được ghi chép đầy đủ trong sách sử triều Thanh.
Nguồn: Toutiao, Sohu, Baidu
Theo Hy Li (Nhịp Sống Việt)