Kiểu làm ăn mới, mafia Italia không còn 'đẫm máu' như xưa

07/05/2024 06:54:17

Mafia Italia ngày nay hiếm khi để 'máu dính vào tay'. Những trò tống tiền đã lỗi thời và các vụ giết người phần lớn bị các Bố già phản đối. Thay vào đó, những tên tội phạm tiến vào thế giới tội phạm cổ cồn trắng, có rủi ro thấp, ít người biết.

Kiểu làm ăn mới, mafia Italia không còn 'đẫm máu' như xưa
Ảnh: Reuters

Các công tố viên cấp cao Italia nói với hãng tin Reuters như vậy. Việc chuyển từ chém giết sang trốn thuế và gian lận tài chính đã mang lại lợi ích lớn cho những kẻ lừa đảo. Chính phủ của Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tiết lộ, tháng trước họ phát hiện được 16 tỷ Euro gian lận liên quan tới các chương trình cải thiện nhà ở. 

Theo các công tố viên, không phải tất cả các vụ lừa đảo đều do các nhóm tội phạm có tổ chức hùng mạnh của Italia dàn dựng, nhưng họ nghi ngờ có rất nhiều vụ do mafia thực hiện. Barbara Sargenti, một quan chức của Văn phòng Công tố Chống Mafia và Chống Khủng bố Quốc gia của Italia cho biết: “Sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng các băng nhóm mafia không tận dụng nguồn tiền mặt khổng lồ”.

Băng Cosa Nostra ở Sicily và Camorra ở thành phố Naples là những băng nhóm mafia nổi tiếng nhất ở Italia nhưng Ndrangheta có trụ sở ở khu vực phía nam Calabria mới là nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất nước này. Trong khi vẫn kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán cocaine ở châu Âu, nhóm này đã dẫn đầu xu hướng thâm nhập ngành tài chính trong thập kỷ qua.

Văn phòng Công tố Châu Âu (EPPO) - cơ quan điều tra các vụ phạm tội chống lại lợi ích tài chính của Liên minh Châu Âu - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng 2 rằng các sai phạm tài chính lớn xảy ra trên toàn khối cho thấy có sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức. Gần 1/3 trong số 1.927 vụ việc EPPO điều tra vào năm 2023 tập trung ở Italia, nơi con số thiệt hại ước tính là 7,38 tỷ Euro trong tổng số 19,3 tỷ Euro của toàn khối.

Các công tố viên cho biết, các vụ phạm tội thường dựa vào sự đồng lõa của các doanh nhân, họ vui vẻ tìm ra những cách mới để trốn thuế. Theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ Tài chính Italia, trốn thuế là một vấn đề kinh niên ở Italia, khiến kho bạc nước này thiệt hại khoảng 83 tỷ Euro vào năm 2021.

Alessandra Dolci, người đứng đầu nhóm khởi tố chống mafia của Milan cho biết: “Ở Italia, xã hội không kỳ thị những người xuất hóa đơn giả hoặc trốn thuế. Quan điểm xã hội về tội phạm kinh tế rất khác với quan điểm liên quan đến buôn bán ma túy".

Hai công tố viên Italia cho biết, mặc dù không có ước tính chính thức về quy mô sự liên quan của băng nhóm mafia với các vụ phạm tội tài chính ở Italia, nhưng con số này ước tính lên tới hàng tỷ Euro mỗi năm và chỉ một phần trong số đó bị phát hiện.

Đối với các băng nhóm tội phạm, hình phạt liên quan tới các vụ phạm tội tài chính là tương đối nhẹ. Nếu bị bắt khi cố bán ít nhất 50gr cocaine, bạn có nguy cơ phải ngồi tù tới 20 năm. Tuy nhiên, nếu phát hành hóa đơn giả để đạt được khoản tín dụng thuế gian lận 500 triệu Euro, bạn chỉ phải đối mặt với án tù từ 18 tháng đến 6 năm.

Hồi tháng 2, cảnh sát vùng Emilia Romagna đã bắt giữ 108 người được cho là thân cận với băng mafia Ndrangheta. Nhóm tội phạm này bị nghi ngờ phát hành hóa đơn giả trị giá 4 triệu Euro cho các dịch vụ không tồn tại trong ngành đóng tàu, bảo trì máy móc công nghiệp, vệ sinh và cho thuê ô tô.

Thẩm phán Milan Pasquale Addesso nói: "Ndrangheta… không còn dính líu đến các hoạt động tống tiền nữa mà liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản. Nhóm này đã bước vào thế giới nhà thầu phụ, đáp ứng nhu cầu trốn thuế của doanh nghiệp". Ông Addesso cho biết, nếu muốn chống lại mafia, thì cần tập trung nhiều hơn vào luật về tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản hơn là các vụ tống tiền.

Theo Hoài Linh (VietNamNet)