Kể từ ngày 20/02, gần 100% các bác sĩ thực tập tại các bệnh viện ở Hàn Quốc đã nộp đơn xin nghỉ việc nhằm phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ nước này. Trong suốt 50 ngày vừa qua, hệ thống y tế tại Hàn Quốc đã liên tục gặp khó khăn khi ngay cả các giáo sư và sinh viên trường y cũng nghỉ làm, nghỉ học để đứng về phía các bác sĩ thực tập.
Được biết, trong gần 2 tháng trời, hầu hết các trung tâm y tế cấp cứu lớn ở Seoul đều hạn chế các hoạt động phẫu thuật, cấp cứu do thiếu nhân lực. Với việc liên tục phải tăng ca làm việc nhiều ngày liền, các bác sĩ cấp cứu còn lại tại bệnh viện cũng đã đưa ra cảnh báo rằng họ có thể cũng sẽ đình công nếu căng thẳng giữa chính phủ và các bác sĩ thực tập chưa được giải quyết.
Trước tình hình này, tính đến ngày 08/04, 6 trong số 7 trung tâm y tế khẩn cấp lớn do chính phủ chỉ định ở thành phố Seoul đã giảm hoặc đình chỉ một số ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân vì họ thiếu nhân lực, khiến các bác sĩ cấp cao tại bệnh viện rơi vào tình trạng kiệt quệ. Trong khi đó, khoảng 9 trong số 44 trung tâm y tế khẩn cấp trên toàn quốc cũng không thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp.
Một bác sĩ cấp cứu cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến sự gián đoạn nghiêm trọng trong các hoạt động của bệnh viện. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp gần như chạm đến điểm sụp đổ".
Hiệp hội các bác sĩ cấp cứu cho biết họ đang tiến hành một cuộc khảo sát với các bác sĩ thuộc hiệp hội về cách họ nhìn nhận tình hình hiện tại. Một quan chức hiệp hội cho biết: "Nếu tình trạng hiện tại không được giải quyết sớm, chúng tôi sẽ chuẩn bị cho các hành động phản ứng, bao gồm cả việc xin từ chức, để bảo vệ các bác sĩ cấp dưới và lên tiếng phản đối các chính sách vô lý của chính phủ".
Được biết, mâu thuẫn giữa các bác sĩ thực tập và chính phủ xảy ra khi chính phủ Hàn Quốc đưa ra kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu, như phẫu thuật, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng thay vì tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chính phủ nên tăng đãi ngộ cũng như ban hành các điều luật bảo vệ bác sĩ để họ có động lực làm việc chăm chỉ cũng như khuyến khích họ hành nghề ở những lĩnh vực "không được ưa chuộng" như vậy.
Theo Thanh Tâm (Phụ Nữ Mới)