Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 3-2 cho rằng đây là đợt Nga triển khai lực lượng lớn nhất vào Belarus kể từ sau chiến tranh lạnh, dự kiến gồm 30.000 binh sĩ, lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz, máy bay chiến đấu như SU-35, tên lửa Iskander và hệ thống phòng không S-400.
Một nhà ngoại giao châu Âu gọi việc Nga huy động lực lượng lần này là một nỗi lo lớn khi cho rằng đây sẽ là mảnh ghép còn thiếu mà Moscow sẽ cần để tiến hành một cuộc tấn công nhanh chóng vào thủ đô Kiev - Ukraine, cách biên giới Belarus chưa đầy hai giờ di chuyển.
Cùng ngày, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Belarus liên quan đến việc triển khai quân đội Nga ở Belarus, đồng thời cảnh báo Minsk sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để tiến hành cuộc tấn công vào nước láng giềng Ukraine.
Trong khi đó, các quan chức Belarus và Nga cho biết họ sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự chung trong tháng này. Truyền thông Nga đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Belarus để giám sát quá trình chuẩn bị cho cuộc diễn tập chung từ ngày 10-2 đến 20-2, đồng thời dự kiến gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.
Nga cho biết sẽ rút binh sĩ và khí tài khỏi Belarus sau khi hoạt động kết thúc nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể.
Trong khi đó, Đại sứ Estonia tại Mỹ Kristjan Prikk nói với đài CNN rất có thể Nga sử dụng các cuộc tập trận như một cái cớ để đưa một lực lượng quân sự lớn vào Belarus. Ông Prikk cũng lưu ý rằng việc Nga triển khai quân đội và thiết bị đến Belarus "phục vụ cho mục đích kép" gồm đe dọa và tấn công Ukraine cũng như có hành động cưỡng ép quân sự đối với NATO.
Trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ ở khu vực Balkan thời hậu chiến, Mỹ đã chuyển giao hai trực thăng quân sự Black Hawk cho Croatia, quốc gia đang chạy đua vũ trang với đồng minh của Nga là Serbia. Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Zagreb - Croatia cho biết trực thăng đa năng được tài trợ sẽ đóng góp vào khả năng quốc phòng của Croatia và sẵn sàng về mặt quân sự để hỗ trợ NATO.
Trong những tháng gần đây, Nga cũng đã bàn giao cho Serbia 30 xe tăng chiến đấu và 30 phương tiện bọc thép. Mặc dù chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU), Serbia đã từ chối điều chỉnh các chính sách đối ngoại của mình với khối này, song song đó nỗ lực tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)