Thập niên 1990, Nhật Bản rộ lên hiện tượng "hikikomori" - khái niệm chỉ những người trẻ tự giam mình, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài. 2 thập kỷ trôi qua, những áp lực khiến giới trẻ Nhật Bản bỏ trốn khỏi thế giới cũng ngày càng lộ rõ và phổ biến hơn.
Và một cách đáng báo động, sự cô lập khỏi xã hội kết hợp cùng những thay đổi trong vai trò giới tính xã hội đã tạo ra những "incel" bạo lực nặng nề với phụ nữ.
Incel là một khái niệm xuất phát từ Internet, chỉ những người độc thân "không tự nguyện". Họ là nhóm nam giới trẻ tự cho rằng mình không có khả năng thu hút nữ giới, không có khả năng có một mối quan hệ yêu đương và tình dục lành mạnh.
Hàn Quốc - "hàng xóm" của Nhật Bản thì phải đối mặt với một vấn đề khác. Ở đó, cũng chính sự thay đổi về vai trò của giới tính trong xã hội đã tạo ra những rắc rối về văn hóa. Các nhà lập pháp thậm chí còn đang phải loay hay trước việc có nên đưa hiện tượng "khủng bố tinh dịch" (semen terrorism) - chỉ hành động bỏ tinh trùng vào đồ ăn, vật dụng của nạn nhân - thành một dạng tội phạm tình dục hay không.
Bạo lực kinh hoàng nhưng lý do thì... "trời ơi đất hỡi"
Tháng 8/2021, Yusuke Tsushima - người đàn ông 36 tuổi đã dùng dao điên cuồng tấn công rất nhiều hành khách trên một chuyến tàu ở phía Tây Tokyo. 10 người đã bị thương dưới lưỡi dao cuồng loạn của y, trong đó có một nữ sinh viên 20 tuổi phải nhận ít nhất 10 nhát dao vào ngực và lưng.
Theo báo cáo từ cảnh sát, Tsushima có một sự ám ảnh đầy oán hận với phụ nữ sau khi trở thành trò cười ở một số cuộc tụ tập và liên tiếp bị từ chối khi dùng các ứng dụng hẹn hò. "Tôi đã muốn giết sạch mọi ả đàn bà trông có vẻ hạnh phúc suốt 6 năm qua," - Tsushima nói với cảnh sát. "Ai cũng được."
Đây cũng không phải vụ tấn công và quấy rối nghiêm trọng duy nhất nhắm vào phụ nữ trong những năm gần đây tại Nhật Bản. Hồi tháng 7/2021, một người đàn ông tại Osaka đã bị bắt giữ vì đã trét phân vào túi xách của một người phụ nữ đang đi bộ trên phố. Khai nhận với cảnh sát, y cho biết mình bị căng thẳng và có ác ý thù địch nhắm vào phụ nữ.
Năm 2019, một người đàn ông đã tự sát sau khi tấn công một nhóm nữ sinh đang chờ xe bus tại thành phố Kawasaki. Vụ tấn công khiến 2 nữ sinh tử vong, 17 người khác bị thương.
Năm 2018, trên một chuyến tàu siêu tốc ở ngoại ô Tokyo, một người đàn ông đã dùng dao sát hại một hành khách và làm bị thương 2 người khác. Thủ phạm tên Ryuichi Iwasaki, 55 tuổi, là một hikikomori kiêm "incel" - theo lời dì của y trả lời truyền thông sau khi vụ việc xảy ra.
Tháng 5/2016, ngôi sao nhạc pop Mayu Tomita bị đâm đến 60 nhát khi đang trên đường đến hát ở concert tại Tokyo bởi Tomohiro Iwazaki - một fan cuồng. Trước đó, nữ ngôi sao từng trả lại nhiều cuốn sách và một chiếc đồng hồ do Iwazaki gửi tặng cô, khiến y điên tiết và để lại tới 400 bình luận đe dọa trên mạng xã hội vài tuần trước khi xảy ra vụ tấn công. May mắn là Tomita đã qua khỏi, còn Iwazaki nhận bản án 14 năm 6 tháng tù giam.
Theo Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại ĐH Hokkaido Bunkyo, các hành vi bạo lực này giống như triệu chứng của sự vô vọng đối với một nhóm nam giới thuộc thế hệ trẻ Nhật Bản.
"18 tháng qua, chắc chắn số vụ việc đã xảy ra nhiều hơn," - Watanabe nhận định. "Trong quá khứ, những vụ án như Tsushima thường ít được biết đến. Còn giờ, truyền thông thậm chí còn đặt cho nó một cái tên: kireru, dùng để chỉ những người trẻ cảm thấy bất mãn, cáu giận đột ngột rồi mất kiểm soát."
"Cách đây 2 thập kỷ, hikikomori là xu hướng đáng ngại. Nhưng thực ra họ không hề bạo lực, chỉ muốn ở một mình. Nhưng cuộc sống tại Nhật Bản đã trở nên khó khăn hơn. Giới trẻ có cảm giác lãnh đạo không lo lắng gì cho họ. Và sự phân hóa này càng rõ rệt hơn trong đại dịch."
"Với nhiều người, cuộc sống đang ngày càng trở nên khó khăn hơn và họ cảm thấy tụt hậu rất nhiều so với người khác. Vậy nên họ tức giận, và điều này khiến tôi lo lắng."
Trên thực tế, Nhật Bản không phải nơi duy nhất có hiện tượng bạo lực từ các incel. Đầu tháng 9/2021, một thanh niên 22 tuổi tại thị trấn Plymouth (Anh) đã ra tay sát hại 4 người rồi tự sát sau khi đăng tải một thông điệp liên quan đến phụ nữ trên mạng xã hội. Trong đó, y nhắm đến những phụ nữ "ngạo mạn", khiến y cảm thấy "cay đắng và ghen tị" khi không thể tìm nổi một cô bạn gái.
Tuy nhiên, bạo lực "incel" của Nhật Bản lại xuất phát từ những thay đổi trong kỳ vọng của đàn ông đối với phụ nữ ở thế hệ trẻ nhiều hơn.
"Phụ nữ Nhật Bản ngày nay tự do hơn, ít áp lực hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi," - Watanabe cho biết. "Đàn ông sẽ được kỳ vọng học giỏi, vào được đại học tốt, có công việc ổn định với thu nhập ổn để nuôi gia đình."
"Đó là những kỳ vọng hết sức truyền thống của xã hội Nhật Bản. Nhưng họ phải chịu đựng những kỳ vọng ấy ở một khoảng thời điểm khác hẳn so với ông cha ngày trước, với những áp lực về tài chính lớn hơn. Họ trở thành một thế hệ "sandwich", bị kẹp giữa những giá trị xưa cũ trong một thời đại mới."
"Còn phụ nữ, họ lại không phải chịu những áp lực truyền thống như xưa. Tuy vẫn còn những hạn chế, nhưng họ đang tự do hơn bao giờ hết."
"Khủng bố tinh dịch" của Hàn Quốc và sự thù địch nhắm đến phụ nữ
Ở Hàn Quốc, hiện đang có một chiến dịch nhằm trấn áp nạn "khủng bố tinh dịch" - chỉ việc nam giới bỏ tinh trùng vào quần áo, đồ ăn hoặc vật dụng của phụ nữ.
Hồi tháng 5/2021, một nam công chức bị phạt 3 triệu won (khoảng 56 triệu đồng tiền Việt) vì tội "cố ý phá hoại tài sản". Nhưng tội danh này gán với cách mà y gây án thì tạo ra sự phẫn nộ, bởi y bị kết tội vì đã cho tinh dịch vào cafe của nữ đồng nghiệp trong vòng 6 tháng trời.
Năm 2019, một nam sinh viên đã bị phạt 3 năm tù giam vì tội "định gây thương tích", sau 54 lần tìm cách trộn tinh dịch, nước bọt, thuốc nhuận tràng, và thuốc kích dục vào cafe của một nữ sinh chỉ vì bị cô gái ấy từ chối hẹn hò.
Năm 2018, truyền thông Hàn Quốc có đưa tin về sự việc một người đàn ông tuồn chiếc bao cao su có chứa tinh dịch của mình vào túi xách của một phụ nữ đang chờ tàu điện.
Tất cả các tội danh trên thường được gán vào tội "phá hoại tài sản", vì không thể chứng minh đó là tấn công tình dục theo luật pháp của Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động đang đòi hỏi một dự luật mới, trong đó phải đưa "khủng bố tinh dịch" vào một dạng tội phạm tình dục và có các hình phạt nặng hơn kèm theo.
Bên cạnh đó, camera quay lén - còn gọi là molka - cũng là một vấn đề nổi cộm của Hàn Quốc, khi những hình ảnh của phụ nữ (đa phần là ảnh nóng) bị lén ghi lại và phát tán trên internet.
Một thế hệ bị cô lập và phẫn nộ
Theo chuyên gia tư vấn William Cleary tại Tokyo, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 đất nước có nền tảng công nghệ cao cùng xã hội kết nối rộng, nhưng điều này khiến vấn đề của họ gia tăng.
"Công nghệ hứa hẹn giúp chúng ta kết nối dễ dàng hơn trước, nhưng mặt trái của nó là khiến con người ta lệ thuộc vào," - ông nhận định. "Kết quả, sự cô lập trong xã hội sẽ lớn hơn, tạo ra sự mất cân bằng trong hành vi đối với một số người."
Cũng theo Cleary, đại dịch Covid-19 là một phần khiến cho sự cô lập của người trẻ tăng tiến lên. "Đại dịch tạo ra sự phẫn nộ cho những người vốn không có nơi nào để trút bỏ cảm xúc."
"Con người vốn là loài phụ thuộc vào tương tác xã hội - tại chỗ làm việc, trường học, với thế giới. Khi không có sự tương tác, một số sẽ cảm thấy lo lắng, trầm cảm, dẫn đến các chứng bệnh về tâm lý. Tôi không ngạc nhiên lắm khi có nhiều trường hợp trở nên bạo lực hơn xuất hiện."
"Vụ tấn công trên tàu điện tại Tokyo là một biến cố lớn, bởi nghi phạm nói rõ rằng y muốn giết những người phụ nữ trông hạnh phúc. Đàn ông vốn chịu nhiều áp lực, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông tấn công phụ nữ chỉ vì cô ấy trông vui vẻ."
Sau vụ tấn công tại Tokyo hồi tháng 8, các nhóm nữ quyền đã đứng ra đòi hỏi phải có hình phạn nặng hơn dành cho đàn ông phạm tội bạo lực với phụ nữ.
"May mắn là những sự vụ như vậy vẫn khá hiếm tại Nhật Bản, nhưng nó thực sự đã tăng lên," - Tsumie Yamaguchi, phát ngôn viên của tổ chức Women In A New World. "Xu hướng này là đáng lo ngại, vì không thể chặn đứng 100% các vụ tấn công như thế, đặc biệt là khi nó do những người đàn ông mất đi lí trí gây ra. Cảnh sát cần phải ra tay nhiều hơn để ngăn chặn các vụ việc như vậy."
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)