Các nhà điều tra cho biết còn quá sớm để nói rằng vụ việc có động cơ chủng tộc hay không, và thay vào đó, tuyên bố của nghi phạm cho thấy hắn có thể mắc chứng nghiện tình dục dẫn đến bạo lực.
Mặc dù vậy, các chuyên gia và nhà hoạt động xã hội cho rằng không phải ngẫu nhiên mà 6 trong số 8 nạn nhân là phụ nữ gốc Á. Theo họ, những lời khai của nghi phạm bắt nguồn từ một lịch sử thói khiếm nhã và định kiến tiêu cực với phụ nữ Mỹ gốc Á.
Phụ nữ gốc Á được coi là những người ngoan ngoãn, phục tùng, và có ham muốn tình dục cao. Họ lại thường làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và phải chịu cùng sự phân biệt chủng tộc ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Á nói chung.
Sung Yeon Choimorrow, Giám đốc điều hành của nhóm vận động phi lợi nhuận Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương cho biết, yếu tố chủng tộc và giới tính giao thoa với nhau càng khiến phụ nữ Mỹ gốc Á dễ bị bạo lực.
Và những yếu tố đó đã kết hợp với nhau trong vụ việc ở Atlanta theo một cách nguy hiểm, dẫn đến chết người.
Định kiến về phụ nữ gốc Á bắt nguồn từ lịch sử
Những định kiến cho rằng phụ nữ Mỹ gốc Á dễ phục tùng, cuồng dâm và khác lạ có thể bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước.
Rachel Kuo, một học giả về chủng tộc, đồng lãnh đạo tổ chức Tập thể Nữ quyền người Mỹ gốc Á, đã chỉ ra những biện pháp về pháp lý và chính trị trong lịch sử nước Mỹ đã hình thành nên những quan niệm độc hại này.
Một trong những ví dụ sớm nhất là từ Đạo luật Page năm 1875, đạo luật đầu tiên về hạn chế nhập cư. Ra đời vài năm trước Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc, Đạo luật Page được ban hành dường như nhằm hạn chế tệ mại dâm và cưỡng bức. Nhưng trên thực tế, nó từng được sử dụng một cách có hệ thống để ngăn phụ nữ Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, với lý do họ là gái mại dâm.
Chủ nghĩa đế quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong những thái độ tiêu cực đó, theo học giả Kuo. Các quân nhân Mỹ, khi tham gia hoạt động quân sự ở nước ngoài (như cuộc chiến tranh tại Philippines, Thế chiến II, Chiến tranh Việt Nam), có tiền sử gạ gẫm mại dâm, cưỡng bức, khuyến khích buôn bán tình dục. Điều đó càng làm tăng thêm những định kiến miệt thị phụ nữ châu Á là những người lệch lạc tình dục.
Tất cả những nhận thức đó “đã có tác dụng bào chữa và dung thứ cho bạo lực bằng cách phớt lờ, tầm thường hóa và bình thường hóa nó”, ông Kuo nói.
Học giả này cũng cho rằng, những định kiến trên tạo nên quan niệm rằng “phụ nữ châu Á là lao động giá rẻ, dễ bị thải loại”. Điều đó khiến họ còn dễ bị tổn thương về mặt kinh tế.
Các doanh nghiệp người Mỹ gốc Á đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, do cả nạn thất nghiệp và tư tưởng bài trừ, kỳ thị.
Đặc biệt, phụ nữ gốc Á chiếm tỷ lệ cao nhất trong số người lao động thất nghiệp dài hạn vào tháng 12 năm ngoái – theo một báo cáo của Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia, công bố tháng 1/2021.
Về việc làm, một tỷ lệ lớn phụ nữ Mỹ gốc Á làm việc trong các ngành dịch vụ, như tiệm làm đẹp, bệnh viện, nhà hàng. Nhiều người ủng hộ nữ quyền đã kêu gọi chú ý đến tình hình việc làm của các nạn nhân ở Atlanta.
“Việc những phụ nữ châu Á bị giết hại ngày hôm qua đang làm những công việc lương thấp, rủi ro cao trong đại dịch đã trực tiếp nói lên những tác động kép của hành vi sai trái, bạo lực mang tính hệ thống, và quyền da trắng tối thượng" - Phi Nguyen, Giám đốc tố tụng tại tổ chức Công lý Tiến bộ người Mỹ gốc Á Atlanta, lên án.
Những người phụ nữ làm nghề massage hoặc mại dâm lại càng có nguy cơ rủi ro cao. Esther Kao, làm việc tại Red Canary Song, tổ chức ủng hộ phụ nữ Mỹ gốc Á, cho rằng những người lao động ngành nghề này không chỉ đối mặt với sự kỳ thị. Họ thường là người di cư trái phép vì thế không ít người có thể sợ rằng họ sẽ có nguy cơ bị trục xuất nếu các nhà chức trách điều tra về bạo lực hoặc tội ác chống lại họ.
Bà Esther Kao cho rằng vụ tấn công ở Atlanta “liên quan đặc biệt đến thói coi thường phụ nữ châu Á”.
Gia tăng thù hận, bạo lực nhằm vào người gốc Á trong dịch COVID
Loạt vụ tấn công vừa qua xảy ra trong bối cảnh người Mỹ gốc Á nói chung đang hứng chịu tình trạng gia tăng các vụ thù hận, bạo lực kể từ khi đại dịch COVID bùng phát. Điều này lặp lại một mô hình cũ, khi người Mỹ gốc Á thường bị nhắm mục tiêu trong thời kỳ khủng hoảng vì họ vẫn bị coi là người nước ngoài.
Gần 3.800 vụ việc mang tính thù hận đã được ghi nhận bởi tổ chức Stop AAPI Hate từ ngày 19/2/2020 đến 28/2/2021. Báo cáo cho thấy phụ nữ bị nhắm mục tiêu nhiều hơn trong các vụ việc đó, chiếm tới 68%, trong khi nam giới chiếm 29%
Melissa Borja, Phó giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại Đại học Michigan, lưu ý trên Twitter rằng bà và một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã quan sát thấy một mô hình tương tự.
Trong khi đó, bất chấp những phát hiện trên, mức độ phụ nữ Mỹ gốc Á bị ảnh hưởng bởi sự thù hận và bạo lực thường không được xã hội chú ý.
Bà Choimorrow, chuyên gia tại Diễn đàn Quốc gia Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, cho rằng, : “Thực sự đã đến lúc chúng ta cần một cuộc trao đổi đầy đủ về những trải nghiệm và thách thức này, bởi xã hội nhìn nhận chúng ta một cách cụ thể qua lăng kính phân biệt chủng tộc và giới tính”.
Điều cần thiết để giải quyết vấn đề này là một cách tiếp cận có hệ thống nhằm thừa nhận những mối đe dọa mà phụ nữ Mỹ gốc Á đang phải đối mặt - bà Choimorrow nêu ý kiến.
Theo Thu Hằng (Báo Tin Tức)