Không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, nhân viên bị 'sếp' bắt leo bộ 84 tầng, chạy 10km giữa đêm

28/05/2024 11:03:33

Vì không thể chịu đựng nổi những hình phạt này, một nhân viên đã làm đơn xin nghỉ việc và đâm đơn kiện ban giám đốc ra tòa vì cho rằng công ty dùng cách này để đàn áp, cô lập, ép nhân viên nghỉ việc, xâm phạm quyền lợi của anh.

Không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, nhân viên bị 'sếp' bắt leo bộ 84 tầng, chạy 10km giữa đêm
Liên tục bị ép leo thang bộ và chạy ban đêm khi không hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhân viên công ty đã phải xin từ chức để sau đó kiện công ty vì những hình phạt khắc nghiệt. Ảnh minh họa: Pixabay.

Lu media đưa tin, đầu năm 2023, Trần Nam (Chen Nan) đã gửi một đơn kiện lên tòa án tố cáo công ty nơi anh từng làm việc với lý do lãnh đạo nhiều lần dùng quyền lực để trừng phạt thể xác, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của nhân viên.

Trần sau đó cũng gửi những hình ảnh chụp màn hình những cuộc trò chuyện nhóm của các nhân viên và ban lãnh đạo cho thấy công ty đã nhiều lần đưa vào "danh sách đen" những quản lý nhóm không hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Cụ thể, ban giám đốc yêu cầu những người chưa hoàn thành chỉ tiêu phải leo bộ 3 lần tòa nhà công ty trong đêm đó và chạy bộ 10km trong đêm hoặc lúc 7h sáng hôm sau. Được biết công ty, nơi Trần làm việc có tổng cộng 28 tầng lầu và sau khi hoàn thành việc leo thang bộ và chạy đêm, những người bị phạt vẫn phải có mặt vào đúng 7h sáng hôm sau để chấm công.

Anh Trần cho biết, trong 4 ngày từ 4/7 đến 7/7/2022, đêm nào anh cũng bị công ty ép chạy bộ 10km. Sau đó, vì không thể chịu đựng nổi, anh làm đơn xin nghỉ việc. Trần cho rằng công ty dùng cách này để đàn áp, cô lập, ép nhân viên nghỉ việc, xâm phạm quyền lợi của nhân viên.

Trả lời trước tòa, Trần cho biết, anh bị ép nghỉ việc hồi tháng 7/2022 nên yêu cầu công ty phải bồi thường tiền làm thêm giờ và những chi phí kinh tế khác theo đúng luật lao động.

Tuy nhiên, phía công ty bị đơn lại phản bác rằng các biện pháp thể thao mà anh Trần đã nêu là để giúp những người quản lý nhóm tỉnh táo hơn, nâng cao ý thức về lòng tự trọng, khẩn trương hoàn thành mục tiêu và những điều này hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Vì vậy phía công ty khẳng định, nguyên đơn không có quyền lập luận rằng các quy tắc và quy định của công ty là sai nếu dựa theo điều 38 của Luật Hợp đồng lao động của Trung Quốc để từ đó khiến anh phải từ chức và đòi công ty bồi thường.

Ngoài ra, phía luật sư của công ty bị đơn cũng cho rằng, dù những lời khai của nguyên đơn là đúng nhưng không có nội quy hay quy định nào cho rằng những hình thức áp dụng trên là sai luật nên việc nguyên đơn chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do này từ đó yêu cầu bồi thường là không chính đáng.

Sau khi xác minh, tòa án nhận thấy mục tiêu hàng ngày mà công ty đặt ra quá cao, không phù hợp, dẫn đến ít nhất 40% các quản lý nhóm không thể hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, các biện pháp kỷ luật chạy bộ, leo cầu thang do công ty áp đặt cũng quá khắc nghiệt và có tính bắt buộc cao, xâm phạm đến quyền của nguyên đơn và những người khác, được coi là hình thức trừng phạt thân thể.

 “Những hình thức xử phạt này đều vi phạm quy định của pháp luật và gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nguyên đơn có quyền từ chức và yêu cầu người sử dụng lao động phải bồi thường tài chính”, tòa án kết luận.

Theo Ctwant, tòa án sơ thẩm sau đó đã ra phán quyết yêu cầu công ty của anh Trần phải bồi thường về tài chính cho anh số tiền 95.208 nhân dân tệ (334,5 tiệu đồng) tương ứng với 4 năm làm việc và 24.256 nhân dân tệ (86,8 triệu đồng) tiền làm thêm giờ.

Dù công ty bị đơn không đồng ý nên đã kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm sau đó vẫn giữ nguyên phán quyết trước đó của tòa sơ thẩm và phán quyết cần có hiệu lực thi hành ngay.

QT (SHTT)