Bên cạnh mức lương hấp dẫn trong ngành công nghệ tại Trung Quốc, người lao động đang phải đối mặt với vô số thách thức. Emma - Nhân viên tại Pinduoduo đã rơi vào trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần: cô sụt 5kg và được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp do cường độ làm việc liên tục, căng thẳng.
Nhu cầu nhân lực lớn, tiền lương cao
Báo cáo được Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố vào tháng 3 năm 2023 cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng, bao gồm: Công nghệ quốc phòng, Công nghệ không gian, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ lượng tử...
Ngành công nghệ ước tính mỗi năm đóng góp khoảng 41,5% GDP của Trung Quốc (Theo Statista). Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cùng với tham vọng trở thành siêu cường công nghệ của Trung Quốc, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Nhân lực Trung Quốc: Đến năm 2025, nước này sẽ thiếu hụt hơn 10 triệu nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhu cầu cao nhất tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Big Data, blockchain, và công nghệ 5G.
Bùng nổ với số lượng startup công nghệ mới được thành lập hàng năm và các “ông lớn” như Alibaba, Tencent, Baidu, Huawei, Xiaomi,... thị trường lao động tại quốc gia này đang đứng trước nhu cầu tuyển dụng lớn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển.
Mức lương cao hơn so với mặt bằng chung các ngành nghề khác trên thị trường, cùng với đó là cơ hội thăng tiến, phát triển tốt, thị trường công nghệ Trung Quốc đang trở thành một lĩnh vực thu hút lượng lớn sự quan tâm của người lao động.
Theo khảo sát, mức lương trung bình cho một kỹ sư công nghệ phần mềm ở Trung Quốc có thể khác nhau tùy thuộc vào kinh nghiệm, vị trí, kỹ năng chuyên môn nhưng nhìn chung dao động trong khoảng 200.000 - 540.000 Nhân dân tệ (tương đương 700 triệu - đến 1,9 tỷ đồng) mỗi năm.
Môi trường cạnh tranh khốc liệt
Nhu cầu nhân lực cao, tuy nhiên thị trường lao động ngành công nghệ Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều cạnh tranh khốc liệt. Văn hóa làm việc "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) gây áp lực lớn cho lực lượng lao động.
Chuyên gia Dương Quốc Thanh, giảng viên tại Trung tâm Đánh giá Nguồn nhân lực Hiện đại, đã dùng những cụm từ miêu tả tính khắc nghiệt của môi trường lao động trong ngành Công nghệ Trung Quốc: “Kẻ chiến thắng độc chiếm tất cả, cá lớn nuốt cá bé, cá nhanh nuốt cá chậm… Môi trường cạnh tranh khốc liệt khiến vô số người lao động phải trả giá bằng sức khỏe thể chất và tinh thần".
Một kỹ sư tại một công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở Bắc Kinh, trong cuộc phỏng vấn năm 2019, cũng chia sẻ rằng quản lý của anh thường xuyên đi kiểm tra các phòng vào ban đêm để xem ai còn làm việc và đánh giá thành tích dựa trên thời gian lao động ngoài giờ. Một kỹ sư khác từng làm việc tại Baidu cho biết việc tan làm lúc 6 giờ chiều được coi là về sớm, mặc dù chính sách 996 không được công ty chính thức áp dụng.
Như một minh chứng cho môi trường làm việc áp lực trong ngành công nghệ Trung Quốc, trường hợp của Emma là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2022, Emma làm việc tại Pinduoduo (trang TMĐT được thành lập bởi công ty TNHH Công nghệ Thông tin Xun Meng Thượng Hải), nổi tiếng với giờ làm việc khắc nghiệt tại thành phố phía Nam - Nam Ninh.
Theo lời kể của cô, cô phải đối mặt với tình trạng làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày, không có ngày nghỉ; Emma đã kiệt quệ về thể chất và tinh thần đến mức phải nghỉ việc chỉ sau khoảng tám tháng. Sức khỏe của cô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sút cân nặng và được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp.
Emma cho rằng tình trạng suy nhược cơ thể của cô là do làm việc theo chế độ “996” – thời gian làm việc liên tục kéo dài từ "9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần" – văn hóa đã trở thành xu thế phổ biến tại rất nhiều công ty khởi nghiệp và công nghệ ở Trung Quốc.
Sự suy kiệt về thể chất, tinh thần của những nhân viên trẻ gần đây làm dấy lên những lo ngại lâu nay về điều kiện làm việc tại những công ty công nghệ lớn.
Nhìn chung, thị trường lao động ngành công nghệ Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ với tiềm năng lớn, nhu cầu nhân lực cao và mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, văn hóa làm việc đầy cạnh tranh tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thường xuyên bị chỉ trích trong những năm gần đây. Nhu cầu thị trường không chỉ đòi hỏi ứng viên phải có năng lực chuyên môn mà còn phải có khả năng chống chịu áp lực tốt.
Theo Trúc Uyên (Nguoiduatin.vn)