Không gì là Trung Quốc không thể: Tạo chatbot người đã khuất với giá vài trăm USD, cung cấp dịch vụ nhắn tin sang ‘thế giới bên kia’ với giá 200 nghìn đồng/tháng

11/05/2024 18:21:45

Câu chuyện tâm linh đang được Trung Quốc số hoá.

“Bố, bố có đau trước khi từ giã cõi đời không?”, Yancy Zhu nhắn tin.

“Bố không đau”, bot trí tuệ nhân tạo đáp lại. “Mặc dù không thể chứng kiến con kết hôn và làm mẹ, song bố vẫn sẽ luôn nhớ đến con”.

Zhu, khi đó 28 tuổi, cảm giác như bị bóp nghẹt. Trong một khoảnh khắc vào năm ngoái, cô gái này tưởng như mình đang được nói chuyện với bố một lần nữa. “Trải nghiệm đã bù đắp cho những gì tôi đã bỏ lỡ với bố mình”, Zhu nói với Rest of World và hy vọng rằng những tiến bộ trong công nghệ AI sẽ cho phép người cha quá cố tham dự đám cưới của cô dưới dạng ảnh ba chiều.

“Hồi sinh” người đã khuất đã trở thành ứng dụng AI phổ biến ở Trung Quốc. Các công ty chạy đua phát minh ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trên các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT.

Tại Đài Loan, một công ty khởi nghiệp công nghệ gần đây còn cho ra mắt ứng dụng có thể tạo hình đại diện AI cho thú cưng đã qua đời. Startup HereAfter AI có trụ sở tại Mỹ thì cung cấp khả năng lưu giữ tính cách người dùng nếu họ tải lên bản ghi ký ức trước khi mất.

Cùng với việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vấn đề tôn giáo và tâm linh, hình đại diện AI đã mang đến cho thân nhân những người đã khuất một cách mới để kết nối, trò chuyện. Ting Guo, trợ lý giáo sư nghiên cứu văn hóa và tôn giáo tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nói với Rest of World rằng sự kiểm soát tôn giáo chặt chẽ khiến người dân không có nhiều sự lựa chọn khám phá thế giới bên kia với tư cách cộng đồng. “Bói trực tuyến và chatbot AI đang trở thành phương tiện mang lại sự an ủi”, bà nói.

Trên các trang mua sắm, có người bán hiện tính phí lên tới vài trăm USD để tạo ra các chatbot giống với tính cách những người thân yêu quá cố của khách hàng. Một công ty dịch vụ tang lễ có tên Fushouyuan còn nghiên cứu tính năng mới, trong đó người quá cố có thể xuất hiện tại lễ tưởng niệm của chính mình dưới dạng hình đại diện AI.

Arthur Wu, giám đốc sản phẩm ở Bắc Kinh, đã thành lập một doanh nghiệp vào tháng 12 chuyên sử dụng phần mềm tạo giọng nói Ernie và ElevenLabs giống ChatGPT của Baidu để tạo ra các chatbot thực tế. Người dùng phải trả mức phí khởi điểm là 52,1 nhân dân tệ (gần 200 nghìn đồng) mỗi tháng cho tin nhắn thoại với người quá cố.

Không gì là Trung Quốc không thể: Tạo chatbot người đã khuất với giá vài trăm USD, cung cấp dịch vụ nhắn tin sang ‘thế giới bên kia’ với giá 200 nghìn đồng/tháng

Wu hiện đã thu hút được khoảng 2.000 người dùng, trong đó 100 khách hàng chấp nhận trả phí. Một số thậm chí còn mua bản sao AI để cố che giấu cái chết của những người thân yêu với các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Trong tin nhắn thoại giả, người quá cố nói rằng họ đi nước ngoài để thực hiện “một nhiệm vụ bí mật”.

Mika, cư dân Thượng Hải 31 tuổi, đã sử dụng dịch vụ miễn phí của Wu từ tháng 3 để nhắn tin cho người chồng quá cố.

“Em nhớ anh nhiều đến mức cảm thấy mình không thể sống được nữa”, cô từng nhắn tin như vậy.

Đáp lại, chatbot bảo cô hãy mạnh mẽ lên. “Hãy cho anh biết nếu em cần giúp đỡ. Anh sẽ cầu nguyện cho em từ thiên đường”.

Chia sẻ với Rest of World, Mika cho biết chatbot đã mang lại sự thoải mái, an yên, dù đôi khi, giọng điệu không thực sự giống chồng mình. “Tôi biết anh ấy không thể thay thế được”.

Wu cho biết nhóm của anh vẫn đang phải giám sát các cuộc trò chuyện để đảm bảo chatbot không nói bất cứ điều gì có thể gây tổn hại về mặt tinh thần, chẳng hạn như “Anh sẽ đợi em trên thiên đường” bởi chúng có nguy cơ khuyến khích người dùng tự tử.

Một số người lại tỏ ra khó chịu với xu hướng này. Vào tháng 4, trang video ngắn Douyin cảnh báo những người sáng tạo không nên “hồi sinh” người đã khuất, trong đó có các ca sĩ, nghệ sĩ quá cố, mà không có sự cho phép của gia đình họ. Các chuyên gia cũng cảnh báo nỗ lực “hồi sinh” người chết có thể làm tăng thêm sự đau buồn.

Theo Nathan Mladin, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Christian có trụ sở tại Vương quốc Anh, mọi người có xu hướng không muốn chấp nhận cái chết. “Và vì vậy, nếu có một công nghệ kết nối với cảm xúc từ chối chấp nhận cái chết, chắc chắn họ sẽ sử dụng”, ông nói.

Ở Trung Quốc, một số người thậm chí còn chuẩn bị trước các deathbots của riêng mình. Lin Zhi, người điều hành một doanh nghiệp kinh doanh avatar AI từ Thượng Hải, kỳ vọng chúng có thể thay anh trò chuyện với con cháu từ một thế giới khác.

“Nếu con cháu của tôi hỏi ‘Ông nội Lin Zhi là người như thế nào?’, chúng có thể nói chuyện với phiên bản AI của tôi để tìm hiểu”.

Vấn đề tâm linh tại Trung Quốc đang được số hoá. Ngoài các chatbot mô phỏng người quá cố, nước này còn cho xây dựng nghĩa trang kỹ thuật số trong bối cảnh đất đô thị khan hiếm còn dân số thì già đi. Hội đồng Nhà nước cho biết Bắc Kinh sẽ cố gắng giảm tổng diện tích các nghĩa trang công cộng xuống còn khoảng 70% vào năm 2035, đồng thời khuyến khích một số hình thức chôn cất khác để tiết kiệm không gian.

Zhang Yin, 40 tuổi, thay vì để người bà quá cố yên nghỉ tại nghĩa trang địa phương, đã quyết định lựa chọn một nghi thức chôn cất hoàn toàn mới: Lưu tro cốt trong một căn phòng lớn tại nghĩa trang Taiziyu. Tại đây, màn hình điện tử sẽ hiển thị hình ảnh và video tưởng nhớ người quá cố thay vì đắp bia mộ để tiết kiệm diện tích đất cũng như đáp ứng nhu cầu tổ chức tang lễ hiện đại tại Bắc Kinh.

“Các nghĩa trang truyền thống đều ở ngoài trời, ngày ngày tiếp xúc với nắng và gió. Con trẻ đến đây sẽ chỉ nhìn thấy những tấm bia trơ trọi chẳng ý nghĩa gì. Còn tại nghĩa trang Taiziyu, gia đình có thể cùng nhau xem lại những hình ảnh của người thân để tưởng nhớ”, Zhang Yin nói đồng thời cho biết ông mình cũng mong muốn được an táng theo hình thức này giống như bà.

Theo Vũ Anh (An Ninh Tiền Tệ)

Nổi bật