Ông Li cho một gia đình thuê căn hộ 2 phòng ngủ tại Yishun, Singapore. Hợp đồng thuê nhà dài 2 năm, bắt đầu từ tháng 12/2023, với mức giá thuê hàng tháng là 4.300 SGD (hơn 82 triệu đồng).
Trong 3 tháng đầu tiên, gia đình này đã thanh toán đúng hạn, nhưng sau đó họ bắt đầu chậm trễ. Mỗi tháng, họ trả từng khoản khác nhau và đưa ra nhiều lý do biện minh cho hành động của mình.
Đến ngày 19/10/2024, tổng số tiền nợ của gia đình lên tới 6.800 SGD (khoảng 130 triệu đồng). Không còn đủ kiên nhẫn, ông Li ra "tối hậu thư" yêu cầu gia đình phải trả toàn bộ số tiền nợ trước 21/10.
Mặc dù các thành viên trong gia đình đã đồng ý và cam kết trả nợ nhưng khi thời hạn đến, họ không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào và âm thầm chuyển đi trong đêm.
Căn hộ họ để lại trong tình trạng bừa bộn. Thức ăn còn đầy trong tủ lạnh. Trên tường xuất hiện nhiều lỗ thủng khiến ông Li phải sửa chữa.
Vì không liên lạc được với gia đình thuê nhà, ông Li đã yêu cầu đại lý quản lý bất động sản của mình báo cảnh sát.
Trong cuộc phỏng vấn với Shin Min Daily News, người thuê nhà cho biết ông Li vẫn giữ lại khoản đặt cọc 8.600 SGD (hơn 164 triệu đồng).
"Chúng tôi đã chuyển đi vì không còn khả năng thuê nữa. Ông Li vẫn giữ tiền cọc nên ông ấy không hề bị lỗ", người thuê nhà nói.
Trong quá trình thuê nhà, họ đã tự bỏ tiền lắp thêm một khóa điện, tấm cách nhiệt ở cửa sổ. Họ chuyển đi nhưng để lại đồ nội thất như ghế sofa, tủ tivi.
Theo đại diện quản lý bất động sản của ông Li, chủ nhà có quyền giữ tiền đặt cọc vì người thuê vi phạm hợp đồng. Người thuê vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền nợ.
Phía cảnh sát xác nhận đã nhận báo cáo liên quan đến vụ việc. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, mở ra nhiều ý kiến trái chiều về trách nhiệm và quyền lợi giữa người thuê và chủ nhà trong các giao dịch.
Theo Hoàng Dung (VietNamNet)