Một cặp nam nữ mạnh bạo vật Wang Jianna xuống đất. Họ giữ chân và vai của chị lại, cố gắng giật đứa con 6 tháng tuổi ra khỏi tay chị rồi bỏ chạy.
Một camera giám sát gần đó đã ghi lại tất cả sự việc. Tuy nhiên, chị Wang lại không thể làm gì nhiều bởi vì kẻ cầm đầu vụ bắt cóc ngay giữa thanh thiên bạch nhật này lại là chồng của chị, là cha của đứa trẻ.
Bắt cóc con nhưng không bị phán tội, chỉ phạt tiền
Theo cô Wang, cảnh sát thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) đã từ chối vào cuộc điều tra vì cho rằng không thể có chuyện phụ huynh lại tự bắt cóc con của mình. Sau đó, tòa án đã trao quyền nuôi dưỡng con gái cho chồng của Wang với lý do cần giữ cho đứa trẻ được nuôi dưỡng trong "môi trường quen thuộc".
Buổi chiều tháng 1/2017 cũng là lần cuối cùng chị Wang được nhìn thấy con gái của mình.
"Tôi cảm thấy thật sai trái", chị Wang, 36 tuổi, nói: "Mặc dù hành vi cướp giật đứa trẻ là vô lý và không chính đáng nhưng tòa án vẫn ủng hộ việc đó".
Cuộc chiến giành quyền nuôi dưỡng con cái có thể là vấn đề gay gắt ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tại Trung Quốc, tranh chấp về vấn đề nuôi dưỡng con cái là đặc biệt gay gắt bởi tòa án nước này hiếm khi trao quyền nuôi dưỡng chung cho các cặp vợ chồng sau khi ly hôn.
Các thẩm phán thường giữ đứa trẻ trong môi trường chúng đang sinh sống, cho rằng đó là quyết định tốt nhất đối với đứa trẻ. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một động cơ xấu cho các bậc cha mẹ đang trải qua thời kỳ ly hôn muốn bắt cóc và giấu con của mình đi để giành được quyền nuôi dưỡng duy nhất.
Chín tháng sau khi con gái bị bắt cóc, cảnh sát Thiên Tân đã xác nhận trong một báo cáo rằng chồng của chị Wang, Liu Zhongmin, đã khiến cho chị và mẹ chị bị thương trong một cuộc "tranh chấp thân thể về một đứa trẻ". Cảnh sát đã ra lệnh tam giữ hành chính 10 ngày đối với Liu cùng khoản tiền phạt khoảng 482 tệ (khoảng 1,7 triệu đồng) vì hành vi gây tổn hại thân thể. Nhưng các nhân viên cảnh sát lại không phạt Liu vì tội bắt cóc con gái.
Liu không đưa ra bất cứ bình luận nào. Luật sư của anh ta và một trong những người được cho là có liên quan đến vụ giật đứa trẻ đã cúp điện thoại khi được yêu cầu phát ngôn.
Trong nhiều thập kỷ qua, luật pháp Trung Quốc không coi việc cha mẹ bắt cóc và giấu con mình là một hình thức phạm tội. Vấn đề ngày càng nghiêm trọng khi tỷ lệ ly hôn tại nước này tăng lên. Hầu hết các cuộc ly hôn tại Trung Quốc được giải quyết một cách riêng tư, có thể dẫn đến các thỏa thuận chia sẻ quyền nuôi con. Tuy nhiên, đối với những cặp đôi ra tòa, một là họ có tất cả, hai là không có gì cả.
Vào tháng 6, chính phủ đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này bằng cách công nhận các vụ bắt cóc nhằm mục đích giành quyền nuôi dưỡng là vi phạm pháp luật. Điều luật này được dư luận hoan nghênh nhưng vẫn còn rất sớm để nói rằng nó có tạo ra được sự khác biệt hay không.
Bắt cóc con là một hành vi bạo lực gia đình
Theo báo cáo gần đây của Zhang Jing, một luật sư gia đình nổi tiếng ở Bắc Kinh, ước tính có khoảng 80.000 trẻ em đã bị bắt cóc và giấu đi vì mục đích nuôi dưỡng vào năm 2019.
Nhiều người nói rằng con số này rất có thể cao hơn. Một thẩm phán lâu năm ở thành phố Quảng Châu cho biết trong một phỏng vấn vào năm 2019 rằng, hơn một nửa số vụ ly hôn gây tranh cãi mà bà đã thấy liên quan đến việc bắt cóc đứa trẻ vì mục đích nuôi dưỡng.
Trong hầu hết các trường hợp, người cha thường đứng sau các vụ bắt cóc. Có khoảng 60% các trường hợp bắt cóc đều do người cha gây ra, theo bà Zhang. Ngoài ra, các vụ bắt cóc chủ yếu liên quan đến con trai dưới 6 tuổi, phản ánh sự chú trọng truyền thống ở Trung Quốc khi con trai là người nối dõi.
Đoạn phim CCTV do Wang Jianna cung cấp cho thấy vụ bắt cóc con gái xảy ra ngay bên ngoài nhà của mẹ chị ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. |
"Nó gần như trở thành một cuộc chơi. Ai có quyền nuôi đứa trẻ thì người đó có quyền nuôi dưỡng con hợp pháp", Dai Xiaolei, người thành lập nhóm vận động xã hội Purple Ribbon Mother Love, cho biết sau khi cô đã mất đi quyền nuôi con sau khi ly hôn chồng cũ.
Trong nhiều trường hợp, bắt cóc trẻ em để giành quyền nuôi dưỡng duy nhất là hình thức rộng hơn của bạo lực gia đình. Số liệu thống kê chính thức cho thấy cứ ba gia đình thì có một gia đình xảy ra tình trạng bạo lực.
Chị Wang cho biết, vụ bạo hành đầu tiên bắt đầu vào năm 2016, khi chị đang mang thai con gái Jiayi được 5 tháng. Chị và Liu đã sống cùng nhau nhưng chưa chính thức đăng ký kết hôn. Một tháng sau khi sinh, chị Wang lại bị Liu đánh một lần nữa khi yêu cầu anh ta đi lấy tã cho con.
Tài liệu tòa án xác nhận, chị Wang đã nói với thẩm phán rằng chị và Liu thường xuyên cãi vã về những điều nhỏ nhặt, anh ta còn ra tay đánh đập và xúc phạm chị. Liu phản đối yêu cầu của chị Wang về quyền nuôi con nhưng không có câu trả lời cho những cáo buộc khác do chị Wang nêu ra.
Chị Wang chia sẻ, việc bạo hành tiếp tục xảy ra trong nhiều tháng cho đến khi chị không còn chịu đựng nổi những trận đòn. Theo yêu cầu của chị, bố mẹ Liu đã đưa chị và con gái về nhà bố mẹ ruột sống. Liu từng xuất hiện và muốn cướp đi đứa trẻ nhưng nhanh chóng rời đi sau khi cảnh sát đến. Trong một tháng sau đó, chị không còn nghe tin gì về anh ta nữa.
Lần kế tiếp, chị Wang kể, Liu đã thuê người giúp anh ta giật lấy đứa trẻ. Chị Wang đã nộp đơn kháng cao khi thẩm phán trao cho Liu toàn quyền nuôi con, tuy vậy thẩm phán vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu.
Tranh chấp về quyền nuôi con chỉ mới trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Theo quan niệm tại quốc gia này, phụ nữ muốn ly hôn được cho là đã từ bỏ quyền nuôi con của mình. Nhưng điều đó đã thay đổi khi phụ nữ ở Trung Quốc càng ngày càng có được sự ổn định và độc lập hơn về tài chính.
Trên lý thuyết, pháp luật Trung Quốc có sự ưu tiên hơn đối với phụ nữ. Trong trường hợp đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, các bà mẹ thường được trao quyền nuôi con duy nhất. Đáng tiếc trên thực tế, các thẩm phán có thể bị tác động bởi những cân nhắc về thể chế mà các chuyên gia cho rằng thường mang lại lợi thế cho nam giới.
Ví dụ, nam giới có quyền tiếp cận với nhiều nguồn tài chính và có nhiều tài sản hơn, cho phép họ có được lợi thế nhiều hơn về quyền nuôi con.
He Xin, giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “Bản thân luật có vẻ rất trung lập nhưng nhiều thứ đằng sau nó lại không bình đẳng. Phụ nữ thường bị thua thiệt".
Khi Cindy Huang bắt đầu tính chuyện ly hôn vào năm 2014, các luật sư đã cho cô lời khuyên này: "Hãy mang giấu con đi trước".
Nhưng Huang đã từ chối vì chị tin rằng không cần phải có hành động quyết liệt như vậy để bảo vệ quyền nuôi con của mình. Không lâu sau khi đệ đơn ly hôn, chồng cũ của chị đã giành được quyền nuôi con duy nhất. Thẩm phán tỏ ra thông cảm nhưng ông ta nói với chị rằng, ông ta không làm gì được.
"Thẩm phán đã nói với tôi rất rõ ràng: 'Không có cách nào để chúng tôi tước đi quyền nuôi con từ cha đứa trẻ. Chúng tôi không thể giao con cho chị", chị Huang, 43 tuổi, kể lại.
Sau khi kháng cáo bất thành vào năm 2016, chị Huang đã được phép gặp con trai mình ở quán cà phê hai lần một tháng nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ của chồng cũ. Chị Huang ước rằng mình đã nghe theo lời khuyên của các luật sư.
Về phần chị Wang, sau khi Liu đưa con gái đi và giành được toàn quyền nuôi dưỡng, anh ta đã cắt đứt mọi liên lạc.
"Tôi đã nghĩ rằng, làm sao pháp luật có thể trao quyền nuôi dưỡng con cho kẻ đã bắt cóc đứa trẻ trước? Tôi thật là một kẻ ngốc!", chị Wang nói.
Vào năm ngoái, sau khi chị Wang nhờ sự can thiệp của tòa án đã buộc Liu phải gửi ảnh con gái cho chị. Cuối cùng chị nhận được bức ảnh con gái với mái tóc cột cao và hàng đống đồ chơi xung quanh, nhưng gương mặt con đã bị che khuất gần hết bằng một cặp kính râm.
Chị Wang tin rằng đây là chiêu trò của chồng cũ, anh ta cố tình làm vậy để không cho Wang nhận ra khuôn mặt của con gái vì lo sợ rằng một ngày nào đó Wang sẽ đến và bắt cóc lại con của mình.
Bốn năm trôi qua, Wang vẫn nằm mơ hàng đêm về ngày mà chị có thể đoàn tụ cùng con gái.
"Trong giấc mơ của mình, tôi sẽ chạy đuổi theo con. Nhưng khuôn mặt con hoàn toàn là một khoảng trống. Tôi không biết mặt con mình như thế nào", chị Wang đau khổ nói.
Theo Song Kỳ (Pháp Luật & Bạn Đọc)