Trước chuyến hải trình mới nhất của tàu ngầm Đồ án 636.3 (tên định danh NATO: Kilo nâng cấp) mang tên Novorossiysk, phóng viên tờ báo Rossiya Segodnya đã có cơ hội lần đầu tiên được khám phá dòng tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại này, cũng như trao đổi với thủy thủ đoàn về lý do tại sao tàu ngầm Đồ án Đồ án 636.3 lại có biệt danh đặc biệt như trên.
Theo hướng dẫn của thủy thủ đoàn tàu ngầm Novorossiysk neo đậu tại cầu cảng Sevastopol, phóng viên Rossiya Segodnya đi vào trong tàu ngầm theo cầu thang dài và hẹp.
“Việc đi vào trong tàu ngầm với hàng loạt đồ nghề lỉnh kỉnh bằng cầu thang nhỏ và hẹp thực sự rất khó khăn. Một thủy thủ đã mách tôi cách đi vào trong tàu ngầm dễ dàng hơn khi đội toàn bộ trang bị mang theo trên đầu”, phóng viên Andrei Stanavov kể lại.
Phải mất gần 2 phút, phóng viên A. Stanavov mới vào được trong khoang tàu ngầm Novorossiysk, trong khi đó, ở trạng thái chiến đấu, các thủy thủ chỉ có 20 giây để thực hiện thao tác như vậy: “Chỉ huy luôn là người cuối cùng lên tàu và chỉ khoảng 20 giây sau, chiếc tàu đã lặn xuống nước”.
Thực tế thì cầu thang thông từ bên ngoài vào trong tàu ngầm Novorossiysk dẫn thẳng tới phòng chỉ huy, nơi đặt các hệ thống chính của “hố đen dưới lòng biển” này như: Hệ thống thủy âm, định vị, thông tin liên lạc và điều khiển.
“Trong phòng chỉ huy đặt các hệ thống trinh sát hình ảnh thông qua thiết bị quan sát quang điện, cạnh đó là bàn điều khiển vũ khí. Novorossiysk được trang bị ngư lôi, thủy lôi, tên lửa Kalibr-PL trong 6 ống phóng cỡ 533mm để sẵn sàng tấn công các mục tiêu trên biển, trên bộ.
Tất cả đều hoạt động nhịp nhàng nhờ kíp thủy thủ dày dạn kinh nghiệm và chuyên nghiệp”, phóng viên A. Stanavov nói.
Trong thực tế, một tàu ngầm Đồ án 636.3 khác là chiếc Rostov-on-Don hồi tháng 12-2015 đã lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu khủng bố trên bộ ở Syria bằng tên lửa Kalibr. Trong tương lai, sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Đồ án 636.3 tiếp tục được tăng cường với 6 chiếc thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương.
“Để hoạt động tốt, mỗi tàu ngầm đều có kíp thủy thủ của mình. Dù cùng loại với nhau, nhưng mỗi tàu ngầm lớp Kilo nâng cấp lại có những đặc điểm khác biệt và mỗi kíp thủy thủ phải học cách làm chủ chúng”, Đại tá Konstantin Tabachny, chỉ huy tàu ngầm Novorossiysk chia sẻ.
Giống như truyền thống của các tàu ngầm Nga, trên tàu ngầm Novorossiysk có vô số van, công tắc điều khiển. Chúng được thiết kế để điều khiển tàu trong tình trạng khẩn cấp, còn ở trạng thái thông thường, toàn bộ quy trình được điều khiển từ khoang chỉ huy hoặc tự động hóa hoàn toàn.
Trái ngược với không khí tĩnh lặng tại các khoang khác, Mùi khói dầu diesel và âm thanh ồn ào như đứng cạnh máy bay phản lực xuất hiện khi cửa khoang động cơ mở ra.
“Điều đó hoàn toàn là bình thường khi trong khoang có 2 máy phát điện chạy diesel công suất 1.500 mã lực/chiếc và động cơ chính 5.500 mã lực. Chúng chính là “nguồn sống” giúp tàu ngầm Novorossiysk hoạt động”, phóng viên A. Stanavov nói.
Đánh giá về các tàu ngầm phi hạt nhân như Novorossiysk, Đại tá Konstantin Tabachny cho rằng chúng có vai trò quan trọng không kém các dòng tàu ngầm hạt nhân trong biên chế Hải quân Nga. “Tàu ngầm hạt nhân là trang bị của tương lai. Nơi mọi thứ đều rất trong lành và sạch sẽ. Môi trường làm việc của chúng tôi không giống như vậy.
Tôi cho rằng, mọi thủy thủ tàu ngầm trước tiên nên phục vụ trên các tàu ngầm chạy diesel-điện để họ cảm thấy được không gian chật chội trên khoang, mùi dầu diesel ngấm vào da thịt. Tới lúc đó, họ mới trở thành thủy thủ tàu ngầm thực thụ.
Thực tế, tàu ngầm phi hạt nhân Đồ án 636.3 là thiết kế thành công. Chúng tôi có hỏa lực đa dạng không thua kém “người anh em” trang bị lò phản ứng hạt nhân của mình”, Đại tá Konstantin Tabachny chia sẻ.
Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, tàu ngầm chạy diesel-điện cũng có lợi thế của mình. Chúng nhỏ gọn hơn, có khả năng hoạt động ở vùng nước nông, tiếp cận gần bờ, chờ theo các tổ đặc nhiệm, rải thủy lôi ở các tuyến tuần tra biển hoặc nằm im dưới lòng biển để phục kích tàu nổi của đối phương…
Công nghệ hiện đại trên tàu ngầm Novorossiysk, cho phép nó lặn liên tục trong 5 ngày và dự trữ hải trình khoảng 45 ngày.
Theo lời Đại tá Konstantin Tabachny, tàu ngầm Novorossiysk và các tàu ngầm khác thuộc Đồ án 636.3 đang giữ kỷ lục thế giới về khả năng hoạt động yên lặng dưới đáy biển. Vị chỉ huy này chia sẻ, tàu ngầm của ông thường xuyên hộ tống các tàu chiến NATO, mà không bị phát hiện.
Trong một nhiệm vụ trên biển Địa Trung Hải, các tàu chiến NATO đã mất 3 ngày tìm kiếm trong vô vọng khu vực tàu ngầm Nga xuất hiện trước đó.
“Đó là cuộc chơi đuổi bắt trên biển. Lớp gạch cao su bọc ngoài vỏ tàu có thể vô hiệu hóa các tín hiệu truy tìm thủy âm của đối phương. Khu vực phát ra tiếng ồn duy nhất của tàu ngầm chính là động cơ. Để “biến mất”, chúng tôi chỉ cần tắt nó và chỉ duy trì hoạt động của các hệ thống thiết yếu. Thế là xong!”, Đại tá Konstantin Tabachny nói.
Do hạn chế về diện tích trên khoang, khu vực nghỉ ngơi của thủy thủ đoàn được thu gọn và tối giản hết mức có thể. Mọi nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt, tôn giáo và giải trí đều được thiết kế và đặt khá ngăn nắp. Ngoài ca trực, thủy thủ đoàn dành phần lớn thời gian ở đây.
Đại tá Konstantin Tabachny chia sẻ, trên tàu ngầm, mọi thủy thủ đều tự ý thức được nhiệm vụ của mình. Sự tôn trọng, tin tưởng, phục tùng nhiệm vụ và giúp đỡ lẫn nhau như trong gia đình là đức tính mọi thủy thủ tàu ngầm cần có. Nếu thiếu, họ sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Trao đổi với phóng viên, sĩ quan Nikolai Sonin khẳng định quyết định từ binh sĩ thủy quân lục chiến trở thành thủy thủ tàu ngầm là hoàn toàn phù hợp với sĩ quan này: “Trên tàu, tôi phục trách vũ khí ngư lôi. Mọi việc trên tàu diễn ra như một guồng quay liên tục. Nhiều lúc, tôi không có thời gian suy nghĩ và cứ để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên”.
Trên tàu ngầm Novorossiysk có hai đầu bếp và thực đơn hơi kỳ lạ. Hằng ngày, thủy thủ đoàn được cung cấp 50 gram trứng cá muối và rượu vang đỏ, ngoài khẩu phần ăn thường.
Trước khi chia tay phóng viên, Đại tá Konstantin Tabachny chia sẻ về những thói quen đặc biệt của mình như: Luôn mặc một chiếc áo len cũ mỗi khi đi biển và không thích khởi hành vào thứ 2 vì thủy thủ đoàn thường kém tập trung sau kỳ nghỉ cuối tuần.
“Ngay sau khi phóng viên lên bờ, trong vài ngày tới, tàu ngầm Novorossiysk sẽ lặng lẽ rời cảng để thực hiện nhiệm vụ. Điều kiện làm việc trên tàu ngầm có nhiều khó khăn, nhưng mọi thứ đã được bù đắp bởi kíp thủy thủ đoàn chuyên nghiệp và yêu nghề”, phóng viên A. Stanavov chia sẻ.
Theo Tuấn Sơn (Quân Đội Nhân Dân)