Hải quân Mỹ hiện sở hữu trong tay gần 70 tàu ngầm hiện đại, từ những chiếc tàu ngầm chiến lược lớp Ohio cho tới tàu ngầm tấn công lớp Seawolf, Virginia... đều sở hữu sức mạnh vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, chúng có độ ồn khi lặn cực nhỏ và vũ khí uy lực.
Một yếu tố nữa làm nên sức mạnh vô địch của hạm đội tàu ngầm Mỹ nằm ở việc tất cả chúng đều là tàu ngầm hạt nhân, có tầm hoạt động và thời gian lặn không bị giới hạn, chỉ phụ thuộc duy nhất vào lượng lương thực mang theo.
Nhờ nguồn sức mạnh to lớn dưới nước mà Hải quân Mỹ có thể hiện diện tại mọi điểm nóng trên khắp hành tinh với sức mạnh răn đe đáng nể.
Trước sự vượt trội của Mỹ, nhiều quốc gia khác trong đó đặc biệt là Nga lại xoáy vào việc Hoa Kỳ hiện không có tàu ngầm thông thường, cho rằng công nghệ của Mỹ thua kém, tuy nhiên theo một số chuyên gia nhận định trên thực ra hoàn toàn sai lầm.
Giữa thập niên 1950, Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế tàu ngầm diesel-điện lớp Barbel, đây là lớp tàu ngầm đầu tiên được thiết kế với hình giọt nước tiên tiến, mẫu mực của các tàu ngầm tấn công hiện đại và cũng là người đi tiên phong trong việc bố trí “Trung tâm tấn công” bên trong thân tàu thay vì tháp chỉ huy.
Trong khi đó Liên Xô vẫn đang loay hoay với các thiết kế thu được từ tay phát xít Đức cho tới hết thập niên 1970, tàu ngầm thông thường của họ chẳng có gì khác biệt với thời chiến tranh thế giới thứ hai từ hình dáng bên ngoài cho tới độ ồn và rõ ràng là thua xa Barbel.
Phải sang tới thập niên 1980 thì Liên Xô mới chế tạo thành công tàu ngầm Kilo 877 với hình dáng và tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến ngang ngửa với chiếc USS Barbel ra đời cách đó gần 30 năm.
Các tàu ngầm lớp Barbel của Hải quân Mỹ đã hoạt động tới tận thập niên 1990 mới nghỉ hưu, thành tựu và kinh nghiệm khai thác đã được người Mỹ áp dụng trên các thiết kế tàu ngầm hạt nhân của họ sau này.
Theo Chí Linh (Đất Việt)