Nhân kỷ niệm 71 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, trang War History Online vừa cho đăng tải phóng sự ảnh đặc biệt về nghĩa địa xe tăng trên đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana, Mỹ - nơi từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất ở Mặt trận Thái Bình Dương giữa Hải quân Mỹ và phát xít Nhật Bản. |
Khi vừa đặt chân lên hòn đảo này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng chục xác xe tăng của cả hai bên từng tham chiến tại đây. Ngay tại bờ biển của Saipan xác những chiếc xe tăng M4 Sherman của Mỹ bị bắn hạ trong chiến tranh sau hơn 70 năm vẫn không hề dịch chuyển. |
Thậm chí, chúng còn trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch cũng như địa điểm vui chơi cho dân địa phương. |
Nằm sâu dưới mặt nước cũng có xác những chiếc xe tăng của Mỹ và Nhật Bản khi các tàu vận tải của cả hai phe bị đánh chìm bởi đối phương. Trong ảnh là những gì còn xót lại của một chiếc xe tăng của phát xít Nhật. |
Ngoài xác của những chiếc xe tăng, dọc bờ biển Saipan còn có cả xác những chiếc LVT - phương tiện đổ bộ chủ yếu của Lính thủy Đánh bộ Mỹ tại Mặt trận Thái Bình Dương. Đa phần trong số chúng đều bị bắn hạ khi cố gắng tiếp cận bờ biển, tuy nhiên số LVT bị phá hủy thấp hơn rất nhiều so với số lượng xe được Hải quân Mỹ triển khai trong mỗi lần đổ bộ. |
Trong ảnh là những gì còn sót lại của một chiếc xe tăng hạng nhẹ Type 95 Ha-Go của Nhật Bản tham gia phòng thủ Saipan với phần tháp pháo bị phá hủy hoàn toàn. |
Xác của một chiếc xe tăng lội nước Type 2 Ka-Mi được trưng bày tại một căn cứ quân sự cũ của phát xít Nhật trên đảo Saipan. |
Type 2 Ka-Mi cũng là dòng xe tăng lội nước đầu tiên của Nhật Bản, nó nặng hơn 12 tấn và được trang bị một pháo chính 37mm. |
Gần đó là một chiếc Type 95 Ha-Go khác, tuy nhiên phần khung gầm của nó đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ II Nhật Bản đã đưa vào trang bị hơn 2.300 chiếc Type 95 Ha-Go đây cũng là dòng xe tăng phổ biến nhất của nước này. |
Về cơ bản những chiếc Type 95 Ha-Go không phải là đối thủ của M4 Sherman hay thậm chí là các dòng xe bọc thép hạng nhẹ khác của Mỹ. Tuy nhiên nó vẫn được Nhật Bản sử dụng bởi nó có chi phí sản xuất thấp và quan trọng nhất là đủ cơ động để hoạt động ở khu vực có địa hình hạn chế như trên đảo. |