Khả năng Pháp rời NATO sau khi mất hợp đồng đóng tàu ngầm thế kỷ

23/09/2021 21:48:41

Sau khi bị Mỹ-Australia-Anh “gạt ra bên lề” với liên minh AUKUS và hợp đồng tàu ngầm giá trị khổng lồ, dư luận Pháp đang dậy sóng và kêu gọi chính phủ nước này cần đáp trả mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất là việc đề xuất Pháp nên rời khỏi Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhìn lại thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Pháp Macron đã không ít lần chỉ trích vai trò và hoạt động của NATO. Liệu mâu thuẫn và căng thẳng lên đến đỉnh điểm với Mỹ lần này có tạo ra một “cú hích” để Pháp quyết định rời khối liên minh quân sự này? Đâu sẽ là tác động nếu kịch bản này xảy ra?

Khả năng Pháp rời NATO sau khi mất hợp đồng đóng tàu ngầm thế kỷ
Tổng thống Pháp Macron tại một sự kiện của NATO. Ảnh: New Europe.

Tâm lý “chán ghét và quay lưng” với NATO tại Pháp

Lịch sử của mối quan hệ giữa Pháp và NATO luôn có rất nhiều sóng gió, từ nhiều thập kỷ trước, chứ không phải cho đến vài năm gần đây mới xuất hiện. Pháp là một trong các nước thành viên sáng lập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO vào năm 1949 và trong bối cảnh của Chiến tranh Lạnh diễn ra ngay sau đó, Pháp cũng nhanh chóng trở thành một trong những thành viên quan trọng nhất, nhờ vai trò là một trong 3 cường quốc hạt nhân của NATO, bên cạnh Mỹ và Anh, cũng như vị trí là thành viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tầm quan trọng của nước Pháp trong NATO còn thể hiện ở việc chỉ 1 năm sau ngày thành lập, năm 1950 NATO đã quyết định đặt trụ sở chính của khối tại thủ đô Paris và cho đến năm 1966, cơ quan đầu não của NATO vẫn là tại thủ đô Paris của Pháp.

Tuy nhiên, năm 1966 cũng là thời điểm mà mối quan hệ giữa Pháp và NATO ghi nhận sự đổ vỡ nghiêm trọng đầu tiên khi Tổng thống Pháp khi đó là Charles De Gaulle quyết định rút Pháp ra khỏi Bộ Chỉ huy thống nhất NATO, đồng thời yêu cầu mọi lực lượng của NATO rút khỏi lãnh thổ Pháp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định đó của Pháp nhưng cốt lõi của vấn đề là tư duy độc lập và chính sách tự chủ tương đối mà chính quyền Pháp dưới thời ông De Gaulle theo đuổi. Vào thời điểm đó, nước Pháp của De Gaulle vẫn coi mình như một cường quốc phương Tây có ảnh hưởng, ít nhất là về mặt ngoại giao, do đó không muốn lệ thuộc hoàn toàn vào NATO và Mỹ, không muốn các lợi ích cuả nước Pháp bị tổn hại khi bị cuốn theo các cuộc chiến tranh của Mỹ.

Nhận thức của Pháp khi đó về quan hệ với khối Đông Âu cũng như sức mạnh răn đe hạt nhân của Liên Xô cũng khiến Pháp cho rằng cấu trúc an ninh của NATO không còn phù hợp. Do đó, Pháp đã rời Bộ Chỉ huy thống nhất NATO, nhưng vẫn giữ quan hệ đồng minh với Mỹ và vẫn chưa khi nào thực sự từ bỏ hoàn toàn tư cách thành viên của NATO.

Quá khứ hiện về

Chúng ta có thể quan sát thấy tất cả những yếu tố của ngày đó đang hiện diện trong hoàn cảnh hiện tại. Nước Pháp đã quay trở lại Bộ Chỉ huy liên hợp NATO vào năm 2009 nhưng trong vài năm qua, Pháp vẫn luôn có một khoảng cách nhất định với các thành viên NATO nhiệt thành nhất.

Pháp tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động tại Afghanistan nhưng rút quân từ năm 2014 trong khi Mỹ, Anh, Đức ở lại đến tận những ngày cuối, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Afghanistan vừa qua. Pháp hoàn toàn không theo đuổi các chính sách cứng rắn của NATO với Nga và vào năm 2019, sau khi NATO bất lực trong việc xử lý mâu thuẫn nội bộ do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận xét “NATO chết não”.

Đồng thời, từ suốt nhiều năm qua, Pháp luôn công khai vận động châu Âu xây dựng sự tự chủ quốc phòng-an ninh, nói cách khác là xây dựng một trụ cột an ninh khác song song với NATO, làm giảm bớt vai trò chi phối của NATO và Mỹ.

Động lực thúc đẩy chính sách này của Pháp cũng giống như thập kỷ 60 thời ông De Gaulle, tức Pháp vẫn luôn theo đuổi một sự tự chủ chiến lược, tự chủ tương đối so với Mỹ. Trong số các nước phương Tây, Pháp có thể xem là nước duy nhất luôn luôn thể hiện một thái độ không hoàn toàn phục tùng Mỹ. Tất cả những điều này lý giải cho việc tại sao các chính trị gia Pháp, trong đó đa số là những người tự nhận mình là người theo đuổi chủ nghĩa De Gaulle, lại có thể dễ dàng thảo luận việc Pháp rời NATO như thế.

Kịch bản Pháp rời NATO sẽ có tác động như thế nào lên khối này?

Pháp là thành viên quan trọng hàng đầu của NATO, là một trong 3 cường quốc hạt nhân của NATO cũng như là một trong 3 thành viên NATO có đủ năng lực triển khai sức mạnh quân sự tầm xa. Tuy nhiên, Pháp không phải là thành viên không thể thay thế của NATO. Trong khối quân sự này, quốc gia duy nhất giữ vị thế đó là Mỹ. Vì thế, nếu Pháp lại quyết định rời NATO thì khối quân sự này cũng không có nguy cơ tan rã.

Trong nội bộ NATO, đại đa số các nước, kể cả Đức, đều coi ô an ninh của Mỹ là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an ninh cho mình, đặc biệt là các nước Trung-Đông Âu hay Baltic. Do đó, bất kể hành động nào của Pháp cũng không thể khiến các nước này thay đổi thái độ đối với Mỹ và NATO. Trong quá khứ, Pháp cũng đã rời Bộ Chỉ huy thống nhất của NATO và khối này vẫn đứng vững. NATO chỉ tan rã một khi Mỹ rút các cam kết khỏi khối quân sự này.

Tất nhiên, nếu Pháp rời NATO, đó sẽ là một thiệt hại nặng nề cho khối. Về mặt quân sự, Pháp là một cường quốc hạt nhân nên nếu Pháp rời NATO, sức mạnh của khối này hiển nhiên sẽ suy yếu. Nhưng nghiêm trọng hơn, việc một cường quốc như Pháp rời NATO sẽ đặt ra các hoài nghi lớn về vai trò tương lai của NATO, về sự cần thiết của khối này.

Cần nhắc lại rằng NATO ra đời trong Chiến tranh Lạnh và mục đích tồn tại của khối quân sự này là để đối trọng với khối Hiệp ước Warsaw, vì thế, sau khi Liên Xô tan rã, về mặt lý thuyết NATO cũng không còn lý do để tồn tại. Tuy nhiên, từ 3 thập kỷ qua, NATO không những không thu gọn mà còn bành trướng về phía Đông, gây ra căng thẳng chiến lược với Nga, đồng thời thực thi các học thuyết mới để mở đường cho các can dự quân sự, như các cuộc chiến tại Kosovo hay Afghanistan.

Gần đây, dưới sức ép của Mỹ, NATO cũng bắt đầu hướng mục tiêu đến Trung Quốc, dù như chính Tổng thống Pháp Macron tuyên bố “Trung Quốc không ở Đại Tây Dương”. Vào thời điểm hiện tại, NATO đang trong quá trình tái định hình chiến lược tương lai của khối nên nếu xảy ra việc một thành viên quan trọng như Pháp rời bỏ NATO, đó sẽ là đòn đánh nặng vào tham vọng của liên minh quân sự này.

Cạnh tranh trong chính trường Pháp và vấn đề rút khỏi NATO

Cần phải thẳng thắn nhận định rằng, khả năng Pháp rút khỏi NATO vào thời điểm này là rất thấp, thậm chí là không có. Các thảo luận về việc Pháp rút khỏi NATO tại Pháp chỉ là một cách mà giới chính trị gia tại Pháp thể hiện thái độ của mình, một mặt là để bảo vệ sự tự tôn rằng Pháp vẫn là một cường quốc quan trọng, mặt khác là để thể hiện với các cử tri Pháp vào thời điểm chỉ còn chưa đến 8 tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022.

Bản thân chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cũng như cá nhân ông Macron cũng có nhu cầu đáp trả một cách cứng rắn với Mỹ, Anh, Australia. Nhưng qua phản ứng rất chậm chạp của EU và các nước khác tại châu Âu, đặc biệt là Đức, có thể thấy là Pháp khá đơn độc.

Việc Pháp phản ứng quá quyết liệt cũng không hẳn đã được châu Âu ủng hộ, dù sau đó thì các ngoại trưởng EU cũng đồng ý với Pháp rằng cần phải yêu cầu Mỹ-Anh-Australia giải thích. Tất nhiên trong toàn bộ câu chuyện này, cũng phải thừa nhận rằng nước Pháp đã phải nhận một thất bại ngoại giao quân sự quá bẽ bàng. Điều này càng trở nên nhạy cảm hơn với chính giới và dư luận Pháp bởi đây không phải là lần đầu tiên Pháp bị rơi vào tình huống này, tức bị mất các hợp đồng quốc phòng quan trọng.

Sắp tới, Thụy Sĩ cũng sẽ từ chối tiêm kích Rafale của Pháp để lựa chọn F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, dù khả năng rời NATO là rất ít nhưng vụ việc vừa qua sẽ càng khiến Pháp quyết tâm hơn trong việc thúc đẩy châu Âu xây dựng năng lực quốc phòng riêng, tự chủ hơn so với Mỹ và NATO.

Trong tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng đã thông báo cho biết ngay sau khi Pháp nhậm chức Chủ tịch luân phiên của EU vào đầu năm 2022, EU và Pháp sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng của châu Âu nhằm xây dựng Liên minh Quốc phòng. Hôm qua, Pháp cũng đã công bố ngân sách quốc phòng cao nhất từ trước đến nay là 49 tỷ euro. Sự kiện tàu ngầm tuy không đưa Pháp rời NATO nhưng sẽ càng đẩy Pháp theo hướng tự chủ hơn, một khi niềm tin với đồng minh đã bị rạn nứt nghiêm trọng./.

Theo Quang Dũng (Vov.vn)

Nổi bật