Tiêm kích đa năng Su-35S trong biên chế Không quân Nga vẫn được biết đến với khả năng không chiến cực mạnh, cả trong tầm nhìn lẫn ngoài tầm nhìn nhờ được tích hợp radar mảng pha quét thụ động N035 Irbis tầm trinh sát 400 km cùng với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S cho độ cơ động cực cao.
Tuy nhiên bên cạnh đó, Su-35S còn có thể tung đòn tấn công tiêu diệt chính xác các loại mục tiêu mặt đất, mặt nước bằng vũ khí công nghệ cao như bom dẫn hướng laser, tên lửa không đối đất và thậm chí cả tên lửa không đối hạm.
Để tương xứng với năng lực tác chiến vượt trội của Su-35S, dĩ nhiên các loại vũ khí trang bị cho nó cũng đòi hỏi phải là bản nâng cấp sở hữu tầm bắn và uy lực lớn hơn nhiều so với loại tích hợp cho máy bay đời cũ.
Tên lửa hành trình chống hạm Kh-35U Super Uran là bản nâng cấp từ nguyên mẫu Kh-35 Uran đã phục vụ trong Không quân và Hải quân Nga từ nhiều năm qua.
Vũ khí này có trọng lượng chỉ 550 kg do tiết giảm tầng khởi tốc như ở phiên bản 3M-24 triển khai từ tàu mặt nước, nó vẫn mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 145 kg với cơ cấu nổ giữ chậm nhằm tận dụng động năng để tên lửa xuyên sâu vào bên trong thân tàu mới phát nổ, tác dụng gia tăng tối đa thiệt hại.
Mặc dù vận tốc của tên lửa vẫn chỉ là 300 m/s nhưng tầm bắn đã tăng vọt lên tới 260 km (gấp đôi phiên bản cũ) nếu được phóng từ độ cao lớn và vận tốc của máy bay mang ở trạng thái lý tưởng.
Được biết trước khi quyết định tích hợp Kh-35U cho tiêm kích Su-35S, loại tên lửa này đã trải qua quá trình thử nghiệm tại chiến trường Syria, nơi mà điều kiện tự nhiên khác biệt hoàn toàn với trên đất Nga. Kết quả thu về là rất khả quan đã dẫn tới việc viết thêm phần mềm để Su-35S mang theo phương tiện đáng sợ này.
Bên cạnh việc tích hợp Kh-35U cho tiêm kích nội địa, Nga còn thông báo sẽ sớm cấp phép xuất khẩu dòng tên lửa này cho khách hàng nào sắp hoặc đã mua chiến đấu cơ Su-35.
Loại tên lửa trên vẫn có thể triển khai từ các nền tảng mang phóng cũ như Su-30MK2, hệ thống phòng thủ bờ biển Bal-E, ống phóng KT-184 trên các tàu mặt nước (phiên bản 3M-24UE)... nhưng theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì vẫn nên trang bị nó cho chiến đấu cơ có tổ hợp điện tử hàng không tiên tiến hơn, nhằm tận dụng tốt nhất lợi thế mà nó mang lại.
Ngoài biến thể lắp đặt đầu dò radar chủ động thông dụng, Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga (KTRV) còn thông báo họ sẽ cho ra mắt phiên bản Kh-35U sử dụng đầu dò tín hiệu hồng ngoại thụ động (như cách làm áp dụng trên tên lửa P-15M và P-15T) để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đa dạng của chiến trường hiện đại.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)