Theo giới chức lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nước này sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đóng thêm nhiều tàu tên lửa lớp Molniya.
Bên lề Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về trang thiết bị hải quân và không quân-vũ trụ LIMA-2017, quan chức cao cấp của ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, nước này sẵn sàng cấp phép cho Việt Nam đóng thêm các tàu tên lửa lớp Molniya (Tia chớp) mới.
Molnya là mẫu tàu tên lửa tốt nhất trong các loại này trên thế giới. Nó có thể đương đầu ngang sức ngang tài với các tàu lớn hơn của đối phương như tàu khu trục hoặc hộ vệ hạng nặng. Mẫu tàu hộ vệ nước ngoài đều trang bị yếu hơn Molniya rất nhiều, dùng tên lửa loại "Harpoon" và "Exocet".
Ông Viktor Kladov, Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn Nhà nước Rostec, Trưởng đoàn doanh nhân của tập đoàn này và Rosoboronexport nhấn mạnh, Nga hy vọng việc xây dựng tàu tên lửa sẽ được tiếp tục, tất cả tùy thuộc vào quyết định của phía Việt Nam.
Vị quan chức này nhấn mạnh, Nga đã hoàn toàn sẵn sàng dành sự hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam đóng thêm tàu tên lửa mới đề án 12418, lớp Molniya, được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-UE.
Theo thông báo của ông Oleg Belkov, Tổng giám đốc Công ty cổ phần "Nhà máy đóng tàu Vympel" (Rybinsk), cơ sở Nga đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ cho Việt Nam đóng 6 tàu tên lửa đầu tiên của đề án 12418.
Hiện tại, 4 tàu đã được đưa vào phục vụ trong hàng ngũ Hải quân Việt Nam. Từ tháng 4 năm 2017 bắt đầu quá trình thử nghiệm Nhà nước với tàu thứ năm và thứ sáu, dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm nay.
Nhà lãnh đạo của Vympel cho biết, sau khi tiếp nhận các tàu vào hệ thống trang bị, lực lượng Hải quân Việt Nam rất hài lòng về chất lượng và tính năng chiến-kỹ thuật của chúng và đang nghiên cứu khả năng tiếp tục đóng thêm những tàu của loạt này.
Nga đánh giá, Molniya mạnh hơn nhiều so với tàu tên lửa phương Tây |
Điều đáng kinh ngạc đối với con tàu 550 tấn này là số lượng tên lửa Molniya mang được nhiều gấp đôi các tàu hộ vệ có lượng giãn nước gấp 5, gấp 6 lần nó. Điều này chứng tỏ thiết kế tối ưu của con tàu và cho thấy sự ưu việt trong tích hợp hệ thống của các công trình sư Nga.
Theo công bố của nhà thiết kế Zvezda, loại tên lửa này có tầm bắn 130 km, tốc độ cận âm Mach 0,8, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp trọng lượng 145 kg, độ cao hành trình khi tiếp cận mục tiêu 14m và hạ xuống chỉ còn dưới 5m khi bước vào giai đoạn công kích.
Molniya Việt Nam rất mạnh với tên lửa Kh-35UE
Thỏa thuận bán các tàu tên lửa lớp Molniya cho Việt Nam được ký kết vào năm 2003. Theo qui định hợp đồng, hai tàu do phía Nga đóng đã được bàn giao cho bên đặt hàng vào năm 2007 và 2008, tiếp đến hoạt động đóng tàu Molniya được cấp phép và triển khai tại Việt Nam.
Hợp đồng dự trù đóng 6-10 chiếc tại Việt Nam. Năm 2010, Tổng Công ty Ba Son khởi động thực thi phần cấp phép của hợp đồng với phía Nga.
Hiện tại, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang có trong biên chế tổng cộng 8 tàu cao tốc tên lửa Molniya 1241.8, trong đó 2 chiếc đầu tiên mang số hiệu 375 và 376 được đóng tại Nga, 6 tàu còn lại do Tổng công ty Ba Son sản xuất theo giấy phép chuyển giao công nghệ.
Ưu điểm nổi trội của Molniya 1241.8 là mặc dù kích thước rất nhỏ nhưng lại sở hữu tốc độ rất nhanh, được trang bị hệ thống điện tử không thua kém một chiến hạm hàng nghìn tấn và đặc biệt là hệ thống hỏa lực mạnh với 16 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E.
Bộ đôi tàu tên lửa Molniya 1241.8 của Việt Nam tại Lễ thượng cờ tàu ngầm Varshavyanka (Kilo) 186 Đà Nẵng và 187 Bà Rịa - Vũng Tàu |
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã được Nga chuyển giao công nghệ và tự chế tạo tên lửa hành trình chống hạm Kh-35, phiên bản Việt Nam đặt tên là KCT-15. Theo một số nguồn tin, đây là phiên bản cao cấp nhất của dòng Kh-35 là Kh-35UE, với tầm phóng lên tới gần 300km.
So với nguyên bản, hình dáng cũng như kích thước bên ngoài của Kh-35UE không có sự thay đổi lớn, do đó, nếu trang bị tên lửa Kh-35 Uran-E, thiết kế của Molniya cũng sẽ không phải thay đổi gì cả, nhưng uy lực tấn công thì đã tăng lên rất nhiều.
Nếu Việt Nam tiếp tục đóng thêm nhiều tàu này, mang các tên lửa hành trình Kh-35UE, với tầm phóng lên tới 260km thì lực lượng tấn công đối hạm của hải quân Việt Nam sẽ trở nên mạnh nhất Đông Nam Á, đủ sức đương đầu với các cường quốc sở hữu các chiến hạm hạng nặng.
Tuy nhiên, một thông tin từ chính giới công nghiệp quốc phòng Nga cho biết rằng, nếu muốn, các tàu tên lửa lớp Molniya của Việt Nam cũng có khả năng sẽ được trang bị phiên bản xuất khẩu của tên lửa hành trình Kalibr là Klub, thay cho Kh-35 Uran E.
Trước đây, Tổng giám đốc Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz ông Alexander Shlyakhtenko cho biết, Nga có khả năng sẽ trang bị các tên lửa hành trình mới cho tàu tên lửa dự án 12418 Molniya dành cho Hải quân Việt Nam.
Theo ông, phía Việt Nam muốn đóng thêm tàu theo giấy phép và đang yêu cầu nâng cấp các tàu tên lửa dự án 12418. Theo đó, Việt Nam đề nghị trang bị vũ khí mới là các loại tên lửa hành trình BrahMos hoặc Yakhont hoặc cũng có thể là Kalibr.
Vị Tổng giám đốc Almaz còn khẳng định rằng, với tất cả các loại tên lửa này, Nga đều có khả năng nhanh chóng thay đổi dự án, không phải ngừng qui trình sản xuất.
Vì sao Việt Nam nên giữ cấu hình Molniya, mua Buyan-M?
Bàn về vấn đề này, giới chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam nên tiếp tục đóng thêm nhiều tàu Moniya mang tên lửa Kh-35UE, còn nếu muốn tên lửa Kalibr thì sẽ mua thêm chiến hạm lớp Buyan-M và yêu cầu chuyển giao công nghệ đóng lớp tàu thuộc dự án 21631.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có trên 10 tàu hộ vệ và tàu tên lửa có khả năng chống hạm tốt, số lượng này là quá ít để bảo vệ dải bờ biển dài trên 3000km của nước ta. Trong khi đó, do ngân sách quốc phòng ít ỏi, chúng ta không thể mua sắm các tàu hộ vệ, khu trục cỡ lớn.
Điều này khiến Việt Nam phải phát triển lực lượng tàu cao tốc tên lửa mạnh, mang được nhiều tên lửa để thực hiện chiến thuật “bầy sói” trong đối đầu với các tàu chiến khổng lồ của các đối thủ. Trong bối cảnh đó, việc sở hữu thêm các tàu mang tên lửa chống hạm là yêu cầu cấp bách nhất đối với chúng ta hiện nay.
Hơn nữa, trong tương lai Việt Nam sẽ tự chủ được việc sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35UE. Tầm phóng rất xa của chúng và sự phức tạp trong đường bay của các tên lửa chống hạm cận âm khiến Kh-35UE không hề kém so với các tên lửa chống hạm siêu âm trên.
Tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE có tầm phóng 260km |
Mặc dù Nga đảm bảo việc tích hợp các tên lửa Kalibr hay Yakhont, BrahMos lên Molniya sẽ không ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, điều này là không thể tránh khỏi.
Nếu lắp các loại tên lửa trên lên Molniya thì chắc chắn tàu sẽ phải sửa đổi thiết kế bởi các tên lửa này có kích thước phổ biến là gấp 2 lần, có loại gấp 3 lần; trọng lượng nặng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với Kh-35; do đó, kích thước ống phóng nghiêng cũng phải tăng lên.
Điều này sẽ khiến cấu hình Molniya mới phải giảm số lượng ống phóng, đồng nghĩa với việc mang được ít tên lửa hơn, khả năng chống hạm sẽ giảm sút khá nhiều so với cấu hình mang Kh-35UE. Đây là điều trái với mục tiêu ban đầu mà Việt Nam đặt ra.
Hoặc là nếu muốn giữ nguyên số lượng tên lửa thì Nga sẽ phải điều chỉnh kích thước tàu lớn hơn, khiến lượng giãn nước của tàu có thể sẽ phải tăng lên để mang được đủ 16 tên lửa. Như vậy, đã không còn đúng tính chất của một dự án đóng tàu tên lửa cỡ nhỏ.
Do đó, Việt Nam không cần đặt thêm tàu Molniya mang tên lửa Kalibr hay Yakhont mà nên tiếp tục dự án đóng thêm các tàu tên lửa Molniya mang Kh-35UE để tránh lãng phí nguồn lực tên lửa, đồng thời bổ sung thêm nhiều tàu có khả năng chống hạm tốt.
Một vấn đề khác là nếu muốn tên lửa hành trình Kalibr vì khả năng tấn công mặt đất của nó, Việt Nam có thể lựa chọn mua vài tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M, Project 21631. Mỗi tàu có thể mang tới 8 tên lửa Kalibr và 4 tên lửa phòng không Igla.
Tàu tên lửa lớp Buyan-M của Nga phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr 3M-14T |
Như vậy, sức mạnh của Buyan-M không hề kém so với tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 (Project 1166.1) mà hải quân Việt Nam hiện đang sở hữu, mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều (Gepard 3.9 có giá khoảng 350 triệu USD/chiếc).
Các tàu này có lượng giãn nước chỉ hơn 900 tấn nên kinh phí đóng tàu cũng không phải là quá đắt.
Theo tờ Deagel, tổng chi phí đóng một tàu Buyan-M cho hải quân Nga là 75 triệu USD, còn theo trang web chuyên về giá cả vũ khí Nationsdawnofanera, giá thành và chi phí bảo dưỡng của Buyan-M khoảng 100 triệu USD.
Như vậy, nếu Việt Nam mua vài chiếc đầu tiên, giá thành không thể vượt quá 150 triệu USD, sau đó giá sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu được chuyển giao công nghệ sản xuất.
Hơn nữa, các tàu lớp Buyan-M được đóng theo công nghệ modul, đấu ghép tổng đoạn nên việc nắm được công nghệ chế tạo tàu tiên tiến này sẽ giúp ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam tiến lên một tầm cao mới, có quyền mơ đến việc đóng những con tàu lớn hơn, hiện đại hơn.
Theo Thiên Nam (Thanh Niên Online)