Câu chuyện về Đoàn Nghĩa Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông bị xử tử vào năm 2007 cho đến nay vẫn được báo chí Trung Quốc nhắc đến trong các bài viết về những quan chức “ngã ngựa” vì tha hóa đạo đức và lối sống, như lời nhắc nhở, cảnh tỉnh thế hệ sau.
Con đường thăng tiến
Theo Nhật báo Trung Quốc, Đoàn sinh năm 1946 ở huyện Qihe, tỉnh Sơn Đông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Tây An vào tháng 8/1970, ông ta làm việc ở thành phố Thiên Tân trong 6 năm trước khi trở về tỉnh nhà và làm việc cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn Đông.
Sau đó, Đoàn được thăng chức Trưởng phòng Công tác trí thức, rồi Phó giám đốc Cục Công nghiệp điện tử Sơn Đông. Từ tháng 2/1994 – 9/1995, ông giữ chức Phó bí thư Thành ủy Liêu Thành, nơi ông lần đầu gặp người tình tương lai là Liễu Hải Bình, lúc đó mới 18 tuổi.
Tháng 12/1997, Đoàn được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thành ủy Tế Nam. Ông ta trúng cử đại biểu quốc hội và giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố từ 2001 – 2007. Đoàn là người dẫn đầu đoàn đại biểu Tế Nam dự Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 10.
Vụ án gây chấn động
Vào lúc 17h ngày 9/7/2007, một quả bom cực mạnh, được điều khiển từ xa đã phát nổ trong một chiếc xe hơi hiệu Honda trên đường Jianshe ở trung tâm Tế Nam. Vụ nổ khiến người phụ nữ điều khiển xe – Liễu Hải Bình thiệt mạng, đồng thời làm bị thương 2 người qua đường.
Gần một tuần sau đó, vào ngày 16/7, cảnh sát đã bắt giữ ông Đoàn, 61 tuổi. Ông ta bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị cách chức ngay sau khi vụ việc bị phanh phui.
Kết quả điều tra hé lộ, nạn nhân là “bồ nhí” của ông Đoàn suốt 13 năm. Liễu vốn là tiếp viên nhà hàng ở Liêu Thành, kém Đoàn tới 30 tuổi. Sau khi phải lòng người đẹp, Đoàn đã đưa Liễu về Tế Nam, bố trí làm ở một văn phòng khu phố rồi cơ quan trực thuộc chính quyền thành phố. Năm 2006, ông Đoàn lại đưa người tình về Cục Tài nguyên đất đai thành phố.
Đoàn đã mua cho Liễu một căn nhà và dùng quyền lực để sắp xếp công việc cho những người thân của cô. Tuy nhiên, Liễu không ngừng đòi chu cấp thêm tiền bạc, đồng thúc ép Đoàn phải ly dị vợ để cưới mình, điều có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến công danh, sự nghiệp của ông ta.
Đoàn khai với cơ quan điều tra rằng, quan hệ giữa hai người đã tan vỡ nhưng Liễu không ngừng bám riết, đòi ông ta lo cho nửa phần đời còn lại, nếu không sẽ tung hê mọi chuyện. Vì vậy, Đoàn nảy sinh ý định trừ khử người phụ nữ này để thoát rắc rối.
Tháng 2/2007, Đoàn nhiều lần bàn với cháu rể là Trần Chí, Đại đội phó cảnh sát trị an thành phố Tế Nam về việc gây ra một vụ tai nạn giao thông hoặc cướp giật để gây thương vong cho Liễu. Cuối cùng, cả hai chọn cách gây nổ.
Trần Chí đã nhờ Trần Thường Binh, một chủ cửa hàng sửa chữa ôtô địa phương giúp cài bom điều khiển từ xa vào xe của Liễu và gây ra vụ nổ cướp đi sinh mạng của người phụ nữ này ngay giữa phố vào ngày 9/7 cùng năm.
Án tử cho tội ác nghiêm trọng
Vụ án của Đoàn được đưa ra xét xử ở Tòa án Nhân dân trung cấp Truy Bác vào tháng 8/2007. Trước tòa, Đoàn quả quyết không muốn sát hại người tình và chỉ đề nghị Trần Chí khiến Liễu “mất khả năng tư duy”. Ông ta biện minh rằng, cái chết của Liễu là do sai lầm của người cháu rể.
Tuy nhiên, ngày 9/8, tòa ra phán quyết khẳng định Đoàn và Trần Chí đều phạm tội giết người, đồng thời kết án tử hình cả hai. Trần Thường Binh bị kết án tòng phạm giết người và lĩnh án chung thân.
Ngoài tội danh trên, Đoàn còn bị kết tội tham nhũng 1,69 triệu Nhân dân tệ (tương đương 223.800 USD vào thời điểm đó). Ông ta cũng bị phát hiện sở hữu số tài sản trị giá 1,3 triệu Nhân dân tệ (176.000 USD) không thể giải thích được nguồn gốc, vượt quá mức lương công chức.
Tòa án Tối cao Trung Quốc đã xem xét vụ việc và nhất trí y án dành cho Đoàn. Ông ta bị xử tử vào ngày 5/9/2007.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)