Brazil đã chạm đến cột mốc đầy đau thương: 500.000 ca tử vong vào ngày thứ 7 tuần qua (19/6), trở thành đất nước nhiều người chết vì đại dịch đứng thứ 2 sau Mỹ. Nhưng bi kịch hơn là các dấu hiệu khởi sắc vẫn chưa thấy đâu, khi người dân vẫn rất "chai lỳ" chờ đợi những mũi vaccine Pfizer có nguồn cung rất hiếm và từ chối các loại vaccine khác.
Tại Sao Paulo, người dân đến các cơ sở y tế đề nghị được tiêm vaccine Pfizer, và thường quay gót đi về nếu không có. Một số trung tâm phải đặt bảng hiệu "không có vaccine Pfizer" ngoài cửa để đỡ tốn thời gian. Rất nhiều trung tâm y tế hiện đang bỏ trống, một số có Pfizer thì xếp hàng ùn ùn.
Maressa Tavares - giáo viên 29 tuổi đáng lẽ đã được tiêm từ cách đây 2 tuần tại Rio de Janeiro. Nhưng theo yêu cầu của cha, cô đã dừng lại để chờ Pfizer. "Với tôi thì tiêm loại nào cũng được, nhưng cha tôi thì rất sắt đá," - cô chia sẻ.
Sự kén chọn này khiến cho chiến dịch tiêm vaccine vốn đã gặp khó về nguồn cung và đình trệ nay càng khó khăn hơn. Việc không thể kiểm soát dịch bệnh sẽ không chỉ gây hại cho người Brazil - nơi có trung bình 2000 người chết mỗi ngày, mà còn đe dọa sự an nguy của toàn cầu nếu như đất nước 213 triệu dân trở thành một lò ấp biến chủng mới.
Càng kén chọn, càng nguy hiểm
Hiện tại, vaccine Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anh chiếm tới 96% các liều vaccine sẵn có của quốc gia này. Pfizer, mặt khác, chỉ chiếm vỏn vẹn 4%.
"500.000 sinh mạng đã ra đi vì đại dịch, thứ gây ảnh hưởng đến toàn thế giới," - Bộ trưởng Bộ y tế Marcelo Queiroga cho biết. "Tôi đã làm việc không nghỉ để tiêm chủng cho toàn bộ người Brazil trong thời gian ngắn nhất và thay đổi tình cảnh đày đọa này suốt 1 năm qua."
Các bác sĩ cho rằng người dân nên tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn. Nhưng trên thực tế, CoronaVac của Sinovac có tỉ lệ hiệu quả thấp hơn, và chính Tổng thống Jair Bolsonaro từ chối mua chúng vì cho rằng nguồn gốc virus là từ Trung Quốc. AstraZeneca gặp khó vì một số trường hợp gây biến chứng đông máu hiếm gặp, dù tỉ lệ rất thấp và lợi ích thì vượt xa.
"Lúc đầu người ta sợ CoronaVac vì nguồn gốc của vaccine, và giờ là Astra vì các phản ứng phụ," - Luiz Carlos de Souza e Silva, y tá tại một bệnh viện công ở Rio de Janeiro. "Người dân thường hiểu sai và cập nhật không đủ thông tin, trong khi chính phủ mất quá nhiều thời gian để vận hành kế hoạch tiêm chủng, và điều này gây ra sợ hãi."
Sự chần chừ này không của riêng người Brazil. Amesh Adalja, nhà nghiên cứu về đại dịch từ ĐH Johns Hopkins cho biết nó đã tồn tại kể từ khi vaccine chữa đậu mùa ra đời vào năm 1796. Suốt hơn 2 thế kỷ, chính phủ Mỹ phải vận dụng nhiều chiêu bài khác nhau, từ tặng kèm khoai tây chiên cho đến vé xổ số để thuyết phục người dân tiêm chủng. Tại châu Âu, việc sử dụng AstraZeneca cũng đang bị trì hoãn, trong khi Uruguay phải gửi tặng những liều vaccine sắp tới hạn vì mọi người không muốn tiêm.
Nhưng tình cảnh của Brazil thì khác, họ là nơi cần vaccine nhất vào lúc này. Đất nước đã tiêm chủng 86 triệu liều, nhưng chỉ đỏ để bảo vệ cho dưới 30% dân số ở mũi đầu tiên, và 12% được tiêm đủ. Adalja cho biết việc thiếu hụt thông tin trên các phương tiện truyền thông cùng sự chối từ của "thượng tầng" đã khiến chiến dịch gặp quá nhiều khó khăn.
Nếu virus cứ tiếp tục lây lan, các biến chủng mới sẽ xuất hiện. Trên thực tế, nhiều biến chủng đã tồn tại, bao gồm cả biến chủng có khả năng lây lan nhanh được ghi nhận tại Brazil vào tháng 11/2020, hiện đã lan ra 64 quốc gia. Các loại vaccine đều cho hiệu quả với những biến chủng này, nhưng các nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp đang chìm sâu vào khủng hoảng.
Tại Brazil, tỉ lệ lây nhiễm đang duy trì ở mức cao, và sẽ còn tệ hơn nữa khi mùa đông đã tới ở Nam Bán cầu. Một số thành phố và tiểu bang phải tái phong tỏa, nhưng sau 15 tháng trời vốn ở trong tình cảnh tương tự, các biện pháp ấy đang dần trở nên kém hiệu quả.
"Virus đang lây lan một cách điên rồ. Nhiều người nhiễm bệnh, số ít được tiêm chủng, và đa số mới là mũi đầu tiên," - trích lời Atila Iamarino, chuyên gia sinh học tại ĐH Sao Paulo và Yale. "Việc chờ đợi kén chọn vaccine là cực kỳ nguy hiểm."
Nỗ lực trong tuyệt vọng
Chính phủ Brazil bắt đầu chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng và khẩu trang chỉ mới từ tháng 5, và đó là hơn 1 năm sau khi virus xuất hiện. Bản thân Tổng thống Bolsonaro lại tìm cách xem nhẹ cơn khủng hoảng này, khi chỉ trích những bang tiến hành phong tỏa và yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu về việc đưa khẩu trang trở thành lựa chọn không bắt buộc.
Khác với Mỹ - đất nước sớm đặt cược vào nhiều loại vaccine khác nhau, Brazil chỉ mua mỗi AstraZeneca do hiệu quả tiêm chủng tích cực tới trên 70%. Sau những lần trì hoãn, thống đốc các bang cuối cùng phải tự tìm các hợp đồng riêng. Và khi hết lựa chọn, chính phủ cuối cùng đã ký kết mua CoronaVac, bất chấp việc ông Bolsonaro không thích.
Các chuyên gia cho biết, ngay cả những loại vaccine có tỉ lệ hiệu quả thấp hơn cũng nên tiêm, nhưng sự thiếu tin tưởng của Tổng thống Bolsonaro đã tác động đến những người ủng hộ ông. Như ông Edilson Pessanha, cha của cô giáo Tavares đã trì hoãn tiêm chủng suốt 3 tháng cho đến khi có vaccine của Mỹ. Ông sợ phải tiêm CoronaVac.
"Mọi người ai chả mong những thứ tốt nhất," - ông nông dân 62 tuổi chia sẻ. "Tôi có tìm hiểu và muốn thứ tốt nhất cho tôi, cho đất nước này, đó là những gì đang xảy ra."
Natalia Pasternak - chuyên gia sinh học cực lực chỉ trích những quan điểm như vậy, gọi họ là "những kẻ nếm vaccine".
"Đó là trách nhiệm của chính phủ để bảo người dân không nên kén cá chọn canh. Tất cả (vaccine) đều hiệu quả và đều tốt cả," - Pasternak phẫn nộ.
Gần đây, tốc độ tiêm chủng đang tăng dần lên. Sau khi giảm mạnh vào tháng 5, số liều trung bình được tiêm mỗi ngày đã lên tới gần 1 triệu trong tháng 6. Tiến trình này khiến thị trường cũng trở nên tích cực hơn, khi các chỉ số chứng khoán tăng theo. Trong nửa cuối năm, dự tính sẽ có nhiều liều được chuyển tới hơn.
Nhưng vào lúc này, các chuyên gia cho rằng Brazil đang mắc kẹt trong cơn thịnh nộ của virus. Đất nước đã có thêm 82.288 ca nhiễm và 2301 ca tử vong vào ngày 20/6. Số ca nhiễm vào lúc này là gần 18 triệu, đứng thứ 3 thế giới, trong khi ca tử vong đã trên 500.000.
Fiocruz - tổ chức theo dõi dịch bệnh gọi tình cảnh này là "rất cấp bách". Báo cáo của tổ chức cho biết độ tuổi trung bình các ca tử vong đã giảm xuống dưới 60. Và giờ, hơn một nửa số người chết đang rơi vào nhóm từ 20 - 59 tuổi.
"Sẽ là rất vô lý nếu chỉ nhìn vào số ca chết mỗi ngày và nghĩ mọi chuyện vẫn ổn. Nó không ổn tí nào. Chúng ta đang nhìn thấy các nước khác trở lại bình thường và tin rằng chúng ta cũng thế, nhưng không phải đâu!" - Pasternak nhận định.
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)