Brazil đang bị đại dịch tàn phá nặng nề. Tính riêng ngày 18-6, quốc gia Nam Mỹ này chiếm gần 1/3 tổng số ca tử vong mới của toàn thế giới.
"Vào tháng 6 năm ngoái, chúng tôi chạm mốc 50.000 ca tử vong vì Covid-19. Chỉ trong 1 năm, con số này đã tăng lên gấp 10 lần. Thật đáng sợ" – bác sĩ người Brazil Miguel Nicolelis, người hồi tháng 1 dự đoán Brazil sẽ chạm ngưỡng 500.000 ca tử vong vào tháng 7, khẳng định với đài CNN.
Bác sĩ Nicolelis nói rằng ông không thể dự đoán hình thái của làn sóng lây nhiễm tiếp theo tại Brazil. "Mỗi làn sóng lây nhiễm đều có đặc thù riêng. Làn sóng thứ 3, ít nhất là ở Sao Paulo, rất khác so với 2 làn sóng trước đó. Nó di chuyển từ vùng nông thôn vào vùng thủ đô. Hệ thống y tế tại Sao Paulo đã sụp đổ và 80% giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở thủ đô đang có người nằm" – ông Nicoletis nói.
Brazil chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19 do chương trình tiêm phòng trì trệ trong khi các biện pháp hạn chế bị phớt lờ.
Với việc không phong tỏa và chỉ 11,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Brazil bị mô tả là "kho chứa các biến thể mới" và ngày càng bị thế giới cô lập. Đến giờ, hơn 100 quốc gia đang bố lệnh hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ Brazil, theo Bộ Ngoại giao Brazil.
Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia được dẫn đầu bởi nhà dịch tễ học Pedro Hallall, Trường ĐH Liên bang Pelotas (Brazil), khoảng 75% số ca tử vong tại Brazil có thể tránh được nếu quốc gia này tuân thủ các quy tắc chống dịch cơ bản. Cũng theo nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Lancet, khoảng 80% số ca tử vong có thể tránh được nếu chính phủ Brazil chống dịch quyết liệt như một quốc gia trung bình.
Theo ông Hallall, nếu không có các biện pháp hạn chế và phong tỏa, số người thiệt mạng vì Covid-19 ở Brazil sẽ tiếp tục tăng cho đến khi ít nhất 40% dân số được tiêm phòng.
Tại Indonesia, hơn 350 bác sĩ và y tế vẫn nhiễm Covid-19 dù đã được tiêm phòng, trong đó có hàng chục người phải nhập viện, theo Reuters. Hệ thống y tế tại quốc gia Đông Nam Á này sắp quá tải.
Tại bệnh viện Hasan Sadikin ở TP Bandung, những trường hợp phải cấp cứu vì Covid-19 tăng mạnh trong tháng qua.
"Ban đầu là 10 bệnh nhân/ngày rồi dần dần lên 20 và cuối cùng là 30" – bác sĩ Lazuardhi Dwipa chia sẻ với ABC.
Tính đến đầu tuần này, hơn 160/224 giường bệnh tại bệnh viện Hasan Sadikin đã được sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19.
Kể từ khi đại dịch khởi phát, Indonesia đã thông báo hơn 1,9 triệu ca nhiễm và gần 54.000 ca tử vong. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng những số liệu thực tế là cao hơn nhiều.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)