Ở Trung Quốc thời phong kiến, mộ của hoàng đế, vương tôn, quý tộc, thương nhân giàu có thường có vô số vàng bạc, châu báu cùng nhiều đồ tùy táng giá trị. Kho báu khổng lồ này khiến những kẻ trộm mộ nổi lòng tham.
Theo đó, những kẻ trộm mộ dùng đủ mọi cách để tìm được những ngôi mộ chất đầy châu báu này để đột nhập vào bên trong. Chúng muốn vơ vét các bảo vật rồi đem bán lấy tiền tiêu xài.
Dù biết việc trộm mộ đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng những kẻ này sẵn sàng mạo hiểm tính mạng vì nếu trộm được kho báu tùy táng khổng lồ thì sẽ có thể "đổi đời" sau một đêm.
Trong giới trộm mộ có một "luật bất thành văn" đó là hầu hết mọi thứ trong mộ cổ có thể chạm vào và lấy đi, nhưng tuyệt đối không động tới những món đồ được chế tác từ ngọc.
Theo quan niệm của người Trung Quốc thời xưa, ngọc trong mộ của người chết không được sạch sẽ. Nguyên do là bởi con người sau khi chết phải dùng ngọc để "nuôi dưỡng" linh hồn.
Thêm nữa, ngọc còn được người xưa dùng để bịt vào những lỗ khí trên cơ thể, nhằm dưỡng khí huyết cũng như tránh cho côn trùng xâm nhập vào. Nhờ đó, thi hài người quá cố có thể nguyên vẹn theo thời gian. Do ngọc tiếp xúc quá lâu với thi hài người quá cố nên những kẻ trộm mộ tuyệt đối không dám lấy chúng đem bán.
Tiếp đến, ngọc là biểu tượng cho thân phận và địa vị của những người có địa vị cao và giàu có. Người bình thường khó có thể mua được ngọc và dùng chúng.
Do đó, nếu một người bình thường đột nhiên sở hữu một miếng ngọc thì sẽ dễ bị quan phủ phát giác đó là món đồ ăn trộm. Khi ấy, kẻ trộm mộ sẽ bị bắt giữ và có kết cục không mấy tốt đẹp.
Cuối cùng, các miếng ngọc thường được các gia tộc quyền quý truyền từ đời này sang đời khác. Vậy nên, chúng được coi là linh khí và gắn bó mật thiết với linh hồn của người đã khuất.
Nếu chạm vào những miếng ngọc này hoặc đem chúng về sở hữu, những kẻ trộm mộ sẽ có thể gặp phải tai họa rùng rợn. Do đó, dù nhìn thấy ngọc trong mộ cổ thì trộm mộ tuyệt đối không dám lấy.
Theo Tâm Anh (Kienthuc.net.vn)