Jane's Defence Weekly bình luận về hợp đồng mua xe tăng T-90 của Việt Nam

09/11/2017 09:49:00

Tuần báo quốc phòng Jane's Defence Weekly (Anh) vừa đưa ra mức giá ước tính đối với mỗi chiếc xe tăng T-90 mà Việt Nam mua của Nga.

Jane's Defence Weekly dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn Interfax trích phát biểu của ông Mikhail Petukhov - Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật quân sự (FSMTC) cho biết, Nga đã bắt đầu công việc chuyển giao những xe tăng T-90S và T-90SK (phiên bản chỉ huy) cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký giữa 2 quốc gia.

Tổng số lượng xe tăng T-90 thuộc 2 phiên bản (S/SK) mà Việt Nam đặt mua là 64 chiếc theo tín dụng mà Nga dành cho Việt Nam.

Tuy phía Nga không tiết lộ tổng giá trị hợp đồng, nhưng tuần báo quốc phòng Jane's Defence Weekly ước tính để nhận được 64 chiếc xe tăng T-90 từ Nga, Việt Nam có thể phải bỏ ra chừng 250 triệu USD. Nếu như vậy, có thể thấy đơn giá mỗi chiếc sẽ rơi vào khoảng hơn 3,9 triệu USD.

Mức giá này được cho là khá hợp lý khi so sánh với các quốc gia khác cùng mua xe tăng T-90 từ Nga.

Tất nhiên, yêu cầu của mỗi nước cũng như mức độ đáp ứng của phía Nga đối với từng đơn hàng sẽ quyết định cấu hình của xe cùng các dịch vụ kèm theo như huấn luyện, đảm bảo cung cấp phụ tùng, sửa chữa bảo dưỡng,... và từ đó mới tính ra được đơn giá mỗi chiếc.

Sức mạnh xe tăng chiến đấu chủ lực T-90

Do vậy, so sánh mức giá mua xe tăng giữa các quốc gia chỉ mang tính tương đối và ở mỗi thời điểm đặt mua đơn giá có thể khác nhau do những biến động về tỷ giá, lạm phát,...

Ngay từ năm 2012, trong tác phẩm mang tên "Rolling Thunder: A Centery of Tank Warfare" của mình, (tạm dịch là Sấm rền: Một Thế kỷ chiến tăng) chuyên gia quân sự Phillip Kaplan (Anh) đã tổng kết các hợp đồng đã ký giữa Nga với các khách hàng khác nhau và ước tính, đơn giá của xe tăng T-90 của Nga sẽ rơi vào tầm 4,25 triệu USD/chiếc.

Dòng xe này được nhiều quốc gia đặt mua với số lượng lớn, đặc biệt là sau màn trình diễn chói sáng ở chiến trường Syria, T-90 càng trở nên đắt hàng khi liên tiếp nhận được các đơn hàng lớn. Ngoài lục quân Nga hiện đang sở hữu khoảng 550 chiếc xe tăng T-90 với nhiều biến thể, có thể liệt kê những khách hàng mua xe tăng T-90 của Nga gồm:

Algeria - 572 chiếc; Armenia: 1 chiếc; Azerbaijan - 100 chiếc; Ấn Độ - 1.250 chiếc; Syria - số lượng không xác định; Turkmenistan - 10 chiếc; Uganda - 44 chiếc; Iraq - 73 chiếc (và có thể mua thêm số lượng lớn); Việt Nam - 64 chiếc.

Jane's Defence Weekly bình luận về hợp đồng mua xe tăng T-90 của Việt Nam
Xe tăng T-90S của Lục quân Uganda.

Mặc dù vậy, thống kê trong cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (Thụy Điển) về các hợp đồng bán xe tăng T-90 của Nga có thể cung cấp thêm thông tin tham khảo có giá trị:

Algeria

Ký hợp đồng mua 185 xe tăng T-90S năm 2006, giao hàng từ 2006-2008, với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD. Đơn giá 5,4 triệu USD/chiếc.

Ký hợp đồng mua tiếp 120 xe tăng T-90S năm 2011, giao hàng từ 2011-2013, với tổng giá trị khoảng 470 triệu USD. Đơn giá 3,92 triệu USD/chiếc.

Ký hợp đồng mua công nghệ lắp ráp 200 xe tăng T-90S năm 2014, giao hàng từ 2015-2016, với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD. Đơn giá 5,0 triệu USD/chiếc.

Jane's Defence Weekly bình luận về hợp đồng mua xe tăng T-90 của Việt Nam - 1
Xe tăng T-90S của Lục quân Ấn Độ.

Ấn Độ

Ký hợp đồng mua 347 xe tăng T-90S năm 2007 (trong đó có 223 chiếc lắp ráp ở Ấn Độ), giao hàng từ 2008-2012, với tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD. Đơn giá 3,46 triệu USD/chiếc.

Ký hợp đồng mua 464 xe tăng T-90 (có thể là phiên bản T-90MS) năm 2017, trong đó có phần lớn được lắp ráp ở Ấn Độ, chưa rõ thời gian giao hàng, với tổng giá trị khoảng 2,1 tỷ USD. Đơn giá 4,53 triệu USD/chiếc.

Turkmenistan

Ký hợp đồng mua 10 xe tăng T-90S năm 2009, giao hàng từ 2009-2012, với tổng giá trị khoảng 30 triệu USD. Đơn giá 3,0 triệu USD/chiếc.

Nhiều quốc gia đặt mua xe tăng T-90 của Nga theo những hợp đồng lớn (cả gói) gồm cùng lúc nhiều loại vũ khí, trang bị khác nhau mà không phân tách chi tiết từng hạng mục nên không có cơ sở để tính toán đơn giá của chúng.

Ngoài ra, cũng có khách hàng mua xe tăng T-90 những cả Nga lẫn đối tác đều không (hoặc chưa) công khai giá trị hợp đồng nên khó có cơ sở dữ liệu để đánh giá.

Theo Tuấn Sơn (Soha/Thời Đại)

Nổi bật