Israel sẽ trở mặt với Mỹ và kết thân với Nga?

29/01/2015 07:39:15

Nếu Nga là đối tác của Israel, tham gia cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ sẽ khó có lý do cấm vận hay đưa các nước láng giềng Nga vào NATO.

Nếu Nga là đối tác của Israel, tham gia cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ sẽ khó có lý do cấm vận hay đưa các nước láng giềng Nga vào NATO.
Gần như cả năm 2014, phương Tây đã phải vật lộn để tìm được hành động đáp trả thích đáng cho việc Nga sát nhập Crimea và cả các sự kiện ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Rất nhiều chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đã lên án mạnh mẽ các hành động của Nga và Tổng thống Vladimir Putin, nhưng riêng Israel lại hoàn toàn im lặng.

Trong quá khứ, Israel đã đứng về phía Nga trong nhiều vụ việc. Năm 2008, khi chiến tranh giữa Nga và Georgia nổ ra, Israel đã cắt các khoản viện trợ quân sự cho Georgia và rút khỏi vị trí cố vấn quân sự cho Georgia.

Tại sao Israel từ chối gây hấn với Nga? Bởi vì nhà nước Do Thái này có ngày sẽ cần đến Nga như một đồng minh mãnh mẽ nếu quan hệ của họ với Mỹ trở nên mờ nhạt – một việc có thể không phải là nguy cơ cấp thiết nhưng cũng không thể không tính đến.

Rủi ro trong mối quan hệ với Mỹ

Bất kỳ nhà lãnh đạo có trách nhiệm nào ở Israel cũng phải thực tế, nhất là khi các cư dân Mỹ trẻ tuổi không mặn mà lắm đối với Israel so với những người Mỹ thế hệ trước.

Những người theo đảng Dân chủ thì ít có những dấu hiệu thiên về Israel hơn so với những người theo đảng Cộng hòa. Trong cuộc chiến năm 2014 ở dải Gaza, 45% người theo đảng Dân chủ coi hành động đó của Israel là chính đáng trong khi số lượng người đồng ý với hành động của Israel ở đảng Cộng hòa là 75%, theo một cuộc thăm dò của CNN. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển và chính sách của Israel trở thành một vấn đề đảng phái ở Mỹ thì mối quan hệ trong tương lai của Mỹ và Israel sẽ trờ nên nguy hiểm.

Một vài chuyên gia ở Trung Đông cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Israel đang đi xuống, bao gồm cả ông Martin Indyk, một cựu đại sứ của Mỹ ở Israel. “Mối quan hệ giữa Mỹ và Israel rất quan trọng, và nó là một yếu tố quan trọng cho việc tồn tại của Israel. Và bây giờ, mối quan hệ ấy đang gặp vấn đề”, ông Martin nói trong một bài phát biểu gần đây.

Điều đó, tất nhiên, là một bước đi lớn từ việc giảm dần các hỗ trợ phổ biến cho đến việc hủy bỏ những hỗ trợ hay thậm chí giảm mạnh các sự trợ giúp của Mỹ cho Israel. Điều thú vị là cũng có những người Israel kêu gọi chính phủ chấm dứt nhận sự hỗ trợ của Mỹ.

Nếu điều đó thành sự thật, Israel sẽ phải làm tất cả những gì họ cảm thấy cần thiết để tồn tại, bao gồm cả việc tìm kiếm một người bảo trợ mới. Và trong số những cường quốc trên thế giới sẵn sàng nhận vai trò đó, Nga là một lựa chọn hấp dẫn nhất.
 

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

 
Vì sao Nga là lựa chọn tối ưu của Israel

Ấn Độ và Trung Quốc cũng là một trong các lựa chọn, nhưng họ có rất ít khả năng  đồng ý. Chính phủ Ấn Độ có thể sẽ thiết lập quan hệ với Israel, nhưng với một lượng dân số Hồi giáo khổng lồ, Israel sẽ một cản trở lớn đối với chính phủ Ấn Độ. Một đất nước luôn khao khát tài nguyên như Trung Quốc khó có khả năng sẽ thắt chặt quan hệ với Israel bởi vì Trung Quốc lo sợ điều đó có thể phá hoại mối quan hệ của họ với các cường quốc dầu mỏ là kẻ thù của Israel.

Tuy nhiên, Nga thì có một vị trí độc nhất để trở thành một đối tác quan trọng cho Israel. Với một đất nước giàu có tài nguyên thiên nhiên bao gồm dầu mỏ và các loại quặng như Nga, thì một mối quan hệ thân thiết với Israel sẽ gây cho Nga ít nguy hiểm hơn so với Trung Quốc.

Kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Israel đã trở thành ngôi nhà của hơn 1 triệu tín đồ Do thái đến từ Nga, Ukraine, Belarus, Georgia và 11 quốc gia khác từng là một phần của Liên bang Xô Viết. Điều này đã tạo nên một môi trường gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ giữa Israel và khu vực đó, nhất là với Nga.

Đối với Nga, một mối quan hệ mật thiết với Israel có thể là một lợi thế. Israel là một đất nước có sức mạnh quân sự ổn định và tốt nhất trong khu vực mà rất quan trọng đối với Nga. Kinh tế của Israel đã phát triển mạnh trong những năm gần đây một phần do lĩnh vực công nghệ và sẽ là một đối tác tuyệt vời của Nga, một đất nước đang bị phương Tây cắt giảm các mối quan hệ kinh tế.
 
Nhưng lý do thực tế mà Nga sẽ có lợi nhất khi thắt chặt quan hệ với Israel là chính trị.

Nếu Nga có thể đồng hành cùng Israel và chiến đấu chống lại các chiến binh thánh chiến khủng bố ở Trung Đông, thì Nga sẽ khiến Mỹ gặp rất nhiều khó khăn hơn trong việc thông qua các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hoặc cùng các thành viên NATO chống lại ý muốn của Nga, ngay cả khi chỉ có một nhóm thiểu số ở Mỹ xem Nga như là một người bạn đáng tin cậy của nhà nước Hồi giáo.

Các lợi ích cho Israel thì phức tạp hơn. Mặt khác, một mối quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ cung cấp cho Israel sự đảm bảo an ninh ngang tầm với Mỹ, nhưng các sự hỗ trợ về mặt ngoại giao thì sẽ ít hơn. Nga, đặc biệt là nếu họ hỗ trợ Israel, sẽ có rất ít ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế, ngoại trừ trường hợp Nga  có thể phủ quyết các nghị quyết chống lại Israel ở đó.

Nga cũng sẽ ít có khả năng gây áp lực cho Israel trong việc tiến tới một thỏa thuận hòa bình với người Palestine hay gây ra bất kỳ trở ngại nào kể cả khi bạo lực bùng lên giữa Israel và người Palestine.

Mối quan hệ của Mỹ và Israel chưa tồi tệ đến mức thánh địa Jerusalem cần phải thiết lập một mối quan hệ với Nga ngay lập tức. Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay, rõ ràng là không quá khó để tưởng tượng ra mối quan hệ song phương đó sẽ thay đổi trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.

Trong trường chính trị quốc tế, các liên kết đồng minh chỉ tồn tại cho đến khi nó tạo ra lợi ích cho cả hai bên; và đối với Mỹ và Israel, bây giờ càng ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về lợi ích của hai bên so với thời điểm từ nửa thế kỷ trở về trước.
 
Việc Nga và Israel trở nên thân thiết hơn, sẽ tái thiết lập lậi trường chính trị ở Trung Đông.
 
>> Chiến sự Ukraine có thể “lan đến Nga”
>> NATO bất ngờ muốn nối lại liên lạc với Nga

Theo Nguyễn Trung (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật