Biểu tình lớn ở Israel đòi bầu cử sớm
Tờ New York Times (NYT, Mỹ) đưa tin, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ Israel đã tràn ra trục đường chính ở thành phố Tel Aviv trong đêm 17/2 để thể hiện sự giận dữ đỉnh điểm đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Trong khi đó, tờ Haaretz (Israel) cho biết, không chỉ ở Tel Aviv, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lan rộng tới Jerusalem, Haifa, Be'er Sheva và Caesarea. Dòng người biểu tình giận dữ kêu gọi chính phủ Israel tổ chức bầu cử sớm và yêu cầu ông Netanyahu từ chức.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ Israel nhằm phản đối kế hoạch cải cách tư pháp là chuyện thường xảy ra ở Israel trước khi xung đột Gaza bùng nổ.
Tuy nhiên, theo các quan chức ở Tel Aviv, ngay sau cuộc tấn công do Hamas dẫn đầu ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người thiệt mạng, toàn bộ Israel đã chìm trong cú sốc lớn, các cuộc biểu tình này đã tạm dừng lại.
Những người biểu tình khi ấy cảm thấy họ cần phải đoàn kết với chính phủ để chống lại Hamas. Nhiều người biểu tình thậm chí đã gia nhập lực lượng quân sự dự bị hoặc quân tình nguyện để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của chính phủ Israel.
Thế nhưng, khi cuộc chiến ở Gaza bước qua tháng thứ 4, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Israel đã bất ngờ gia tăng trở lại. Trong ngày 17/2, những tiếng còi chói tai, những dòng người giận dữ đã hô hào chính phủ Israel tổ chức bầu cử ngay lập tức.
"Một ngọn đuốc màu đỏ được thắp lên, xung quanh là tiếng trống đánh lên những giai điệu hành quân. Những người biểu tình cầm cờ nhìn chằm chằm vào các viên sĩ quan cảnh sát đang ngồi trên lưng ngựa" - NYT mô tả không khí của cuộc biểu tình rầm rộ.
"Người dân cần phải đứng lên và chính phủ cần phải ra đi" - Ông Yuval Lerner (57 tuổi), một người tham gia biểu tình cho hay, đề cập tới việc liên minh cầm quyền cánh hữu của ông Netanyahu đã làm mất niềm tin của người dân.
"Chúng tôi đã đưa phong trào phản kháng trở lại như trước khi xảy ra thảm kịch và chiến tranh" - Bà Karen Saar (50 tuổi) nói.
Theo NYT, cần lưu ý rằng, các cuộc biểu tình chống lại ông Netanyahu và chính phủ Israel có sự tách biệt với các cuộc biểu tình và tranh luận về đường lối hành động của Israel ở Gaza, liên quan tới việc các con tin nước này bị Hamas bắt giữ hôm 7/10. Trong thời gian qua, các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ Israel ưu tiên giải phóng con tin vẫn diễn ra thường xuyên.
Phá vỡ "lá chắn sống" của cảnh sát
Tờ Haaretz cho biết, hàng nghìn người biểu tình tại phố Kaplan, trung tâm thủ đô Tel Aviv đã phá vỡ "lá chắn sống" do cảnh sát thiết lập. Một cuộc đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa đám đông phẫn nộ và cảnh sát chống bạo động sau khi lực lượng này bắt giữ 1 người tham gia biểu tình. Kết quả, phía cảnh sát Tel Aviv đã buộc phải trả tự do cho người này vài phút sau đó.
Những người biểu tình khác thì liên tục ném chai lọ, bắn pháo lên trời và tìm cách phong tỏa các con đường. Cảnh sát Israel tuyên bố cuộc biểu tình này là bất hợp pháp, đồng thời quyết định phạt làm gương 2 người tham gia biểu tình số tiền 1.000 shekel (tương đương 277 USD) vì cản trở giao thông và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, khoảng 1.000 người đã biểu tình ở Caesarea đã kéo tới gần khu nghỉ dưỡng của Thủ tướng Netanyahu, yêu cầu tổ chức bầu cử. Các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, một số người biểu tình đã xông ra chặn đường, khiến cảnh sát buộc phải tiến hành các biện pháp cần thiết để giải tán đám đông. 4 người biểu tình đã bị bắt, trong khi 1 người khác được đưa đi cấp cứu sau khi bị chấn thương nhẹ ở đầu do đụng độ với cảnh sát.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các hành động và không ngừng gia tăng số lượng người biểu tình cho tới khi có hàng chục nghìn người bao vây Knesset (tòa nhà Quốc hội Israel) trong 2 hoặc 3 ngày, cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn chính phủ hiện nay" - Ông Amir Heskel, một thành viên trong phong trào biểu tình chống chính phủ, phát biểu.
Theo Haaretz và TASS, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra bên ngoài dinh thự của Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Isaac Herzog ở Jerusalem. Đáng nói, sau khi kéo tới dinh thự của ông Herzog, dòng người biểu tình tiếp tục tuần hành tới Quảng trường Paris và tổ chức một cuộc mít tinh yêu cầu giải phóng con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza.
Tại Be'er Sheva, trong số 300 người biểu tình thì có tới 50 thành viên trong gia đình của Hamza và Yusuf Alziadna - hai cha con người Bedouin vẫn bị Hamas bắt làm con tin.
Ông Netanyahu lên tiếng
Theo Reuters, trước làn sóng biểu tình dữ dội ở Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã lên tiếng, nhưng vẫn bác bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử sớm.
"Bầu cử và xử lý bầu cử sẽ là những điều cuối cùng mà chúng tôi tính đến, bởi ở thời điểm này, điều đó sẽ ngay lập tức chia rẽ chính phủ chúng tôi. Giờ đây, chúng ta cần sự đoàn kết" - Ông Netanyahu nói khi được hỏi về lời kêu gọi bầu cử sớm tại cuộc họp báo ngày 17/2.
Reuters cho biết, mức độ uy tín của ông Netanyahu đã giảm mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận kể từ sau khi cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas làm châm ngòi cuộc chiến tàn khốc ở Gaza.
Cũng trong ngày 17/2, ông Netanyahu một lần nữa khẳng định sẽ không từ bỏ kế hoạch tấn công bộ binh vào thành phố Rafah, phía Nam dải Gaza, để tiêu diệt các tay súng Hamas đang bám trụ tại đây.
Ông Netanyahu nói, bản thân hiểu rõ mong muốn của cộng đồng quốc tế là Israel không tiến hành chiến dịch tấn công vào Rafah. Tuy nhiên, Lực lượng phòng vệ Israel không thể không mở chiến dịch này vì không thể để chừa lại đất sống cho các tay súng Hamas.
Trước đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối ý định của Israel về mở cuộc tấn công vào Rafah, thành phố cực Nam Gaza tiếp giáp với bán đảo Sinai của Ai Cập, do lo ngại xảy ra thảm họa nhân đạo cực kỳ tồi tệ tại đây.
Theo Tùng Chi (Đời sống Pháp luật)