Trong một tuyên bố chung với các bộ quốc phòng và y tế, Thủ tướng Bennett nói: "Israel đã ký thỏa thuận với nhà chức trách Palestine, qua đó cung cấp hơn 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 sắp hết hạn sử dụng của Công ty Pfizer. Sau đó, phía Israel sẽ nhận lại những liều vắc-xin mới mà Pfizer sắp gửi cho Palestine".
Israel cũng tặng 5.000 liều vắc-xin Covid-19 của Công ty Moderna (Mỹ) và 200 liều của Pfizer cho các nhân viên y tế Palestine.
Chính quyền Palestine không bình luận khi được hỏi về thoả thuận trao đổi vắc-xin kể trên.
Theo báo The Times of Israel, Israel trước đó hứng chịu chỉ trích vì không giúp đỡ người Palestine trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhằm khống chế dịch Covid-19.
Tel Aviv đã phát động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc sau khi nhận được vắc-xin Covid-19 do Pfizer và BioNTech (Đức) hợp tác sản xuất. Số liệu cho thấy hơn 55% dân số Israel - khoảng 5,1 triệu người - đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Về phía Palestine, chỉ có hơn 260.000 người nhận được 2 mũi tiêm ở Bờ Tây và Dải Gaza, trong khi 436.275 người được tiêm ít nhất 1 liều, theo Bộ Y tế Palestine.
Hồi tháng trước, Bộ trưởng Y tế Israel Chezy Levy thúc giục Israel giúp Palestine tiêm chủng Covid-19. "Chúng ta cần giúp đỡ người Palestine và nhanh chóng hỗ trợ chương trình tiêm chủng của họ vì nó có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc bệnh ở Israel. Chúng ta phải cung cấp, bán vắc-xin dự trữ hoặc giúp họ tìm kiếm vắc-xin" - ông Levy nói với đài truyền hình Kan.
Palestine trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất vào tháng 3 và tháng 4 năm nay. Đỉnh điểm là nước này ghi nhận gần 3.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi áp đặt lệnh phong toả chặt chẽ, số ca mắc đã giảm xuống còn khoảng 250 ca/ngày.
Thêm vào đó, Palestine đang phải khắc phục hậu quả từ cuộc giao tranh với quân đội Israel ở Dải Gaza gần đây. Bộ Công trình công cộng và Nhà ở Gaza cho biết ít nhất 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và 22.000 ngôi khác bị hư hại một phần khiến hàng chục ngàn người Palestine phải di dời. Ít nhất 4 tòa nhà cao tầng bị san bằng và 74 công trình công cộng bị Israel nhắm mục tiêu.
Do lệnh phong tỏa kéo dài suốt 14 năm giữa Israel và Ai Cập đối với Dải Gaza, việc tái xây dựng các tòa nhà chính phủ, thương mại và dân cư kể trên rất phức tạp. Israel không cho phép cung cấp vật liệu xây dựng thông qua các cửa khẩu biên giới, dẫn đến việc người Palestine đành tái sử dụng khoảng 200.000-300.000 tấn mảnh vỡ để phục hồi các công trình.
Theo Phạm Nghĩa (Nld.com.vn)