Với chiến lược tập trung phát triển cho công nghiệp quốc phòng nội địa nhiều năm qua, Indonesia đang "hái quả ngọt" với hàng loạt chủng loại vũ khí nội địa ra đời. Mặt khác, việc hợp tác sâu rộng với nhiều cường quốc quân sự đang biến Indonesia trở thành trung tâm đảm bảo kỹ thuật quân sự quốc tế của nhiều hãng chế tạo vũ khí lớn tại Đông Nam Á.
Để có được kết quả như ngày nay, công nghiệp quốc phòng Indonesia cũng từng nếm nhiều trái đắng thất bại, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối thập kỷ 1990 khiến nguồn lực dành quốc phòng bị cắt giảm đột ngột. Tuy nhiên, Indonesia đã gượng dậy và đang trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia châu Á khác học tập.
Chỉ nhập khẩu những loại vũ khí không thể tự phát triển
Phát triển công nghiệp quốc phòng là một hành trình dài cần sự đầu tư không chỉ về công nghệ, mà còn cả tiền của. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 gần như đã đánh gục nền công nghiệp quốc phòng nội địa của Indonesia khi nguồn lực dành cho quốc phòng của quốc gia Đông Nam Á này bất ngờ bị giảm vài lần chỉ sau thời gian ngắn.
Tuy nhiên, sự phục hồi thần kỳ, cũng như dấu mốc đánh dấu sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng Indonesia như hiện này chính là chính sách tập trung cho nền quốc phòng nội địa của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Cụ thể nhất chính là Đạo luật quốc phòng năm 2012 của Indonesia.
Đạo luật trên yêu cầu Quân đội Indonesia bắt buộc phải mua các sản phẩm quốc phòng nội địa và chỉ nhập khẩu một số sản phẩm trong nước chưa có khả năng tự sản xuất và phát triển. Và tất nhiên, để quá trình này diễn ra thuận lợi, ngân sách quốc phòng của Indonesia tăng liên tục trong nhiều năm và nhanh chóng cán mốc 8 tỷ USD.
Đây chính là động lực quan trọng để nền công nghiệp quốc phòng Indonesia phục hồi, cũng như sức ép buộc các doanh nghiệp quốc phòng nội địa phải tìm hướng phát triển vũ khí, trang bị phù hợp với nhu cầu của quân đội.
Với danh sách đầu tiên gồm 7 chủng loại vũ khí cơ bản, gồm: Tàu ngầm, máy bay chiến đấu, xe tăng hạng trung, radar, thiết bị thông tin quân sự…, Indonesia đã mau chóng tìm ra cách đáp ứng yêu cầu nhanh nhất đó là thành lập các liên doanh với đối tác nước ngoài để từng bước hoàn thiện CNQP nội địa, cũng như được tiếp cận và hấp thụ công nghệ từ các quốc gia tiên tiến.
Điều này được cụ thể hóa bằng các chương trình hợp tác với Tập đoàn Damen Schelde Naval Shipbuilding (DSNS) của Hà Lan, đóng mới chiến hạm lớp Sigma; Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, đóng mới tàu ngầm Type-206; Trung Quốc, phát triển tên lửa đối hạm C-705…
Chính trong quá trình này, các doanh nghiệp nội địa Indonesia PT Dirgantara, PT PAL…có thể học hỏi và hoàn thiện cả về con người, lẫn phương thức sản xuất… Khi đã làm có thể hấp thụ được các công nghệ cơ bản, Indonesia hướng tới các loại vũ khí tinh vi hơn như máy bay chiến đấu.
Các chương trình hợp tác với Airbus chế tạo máy bay quân sự C-295 hay KFX/IFX với Hàn Quốc…cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Một yếu tố quan trọng khác là trước khi tự sản xuất được, Indonesia đã đa dạng nguồn cung vũ khí từ khắp nơi trên thế giới.
Với miếng mồi là các hợp đồng vũ khí lớn, Indonesia để tự các nhà thầu vũ khí cạnh tranh để buộc đưa ra những đề nghị hấp dẫn với mong muốn trúng thầu. Có thể thấy rõ ràng, Indonesia mua chiến hạm từ châu Âu; xe tăng từ Ba Lan, Đức; máy bay chiến đấu Mỹ, Nga…
Động thái "đi trên dây" trên có thể là một trong những bí quyết làm nên sự thành công của công nghiệp quốc phòng nội địa Indonesia.
Không chỉ dựa vào nguồn lực từ nước ngoài, Quân đội Indonesia cũng tích cực phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước phát triển các chương trình vũ khí nội địa phù hợp với yêu cầu tác chiến, cũng như điều kiện khí hậu và địa hình.
Những lĩnh vực được ưu tiên phát triển chính là thiết bị bay không người lái, định vị GPS quân sự, súng trường tiến công… Những yếu tố trên chưa phải là bức tranh toàn cảnh, nhưng chính là những nét chấm phá tạo ra bước nhảy vọt thần kỳ của nền công nghiệp quốc phòng Indonesia sau 2 thập kỷ qua.
Bắt đầu hái quả ngọt
Quả ngọt đầu tiên chính là việc Indonesia đang từng bước tự chủ được nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự nội địa với tính năng và khả năng chiến đấu tương đối tốt. Việc này đồng nghĩa là Indonesia sẽ không còn quá phụ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu, yếu tố quan trọng quyết định tới an ninh quốc gia.
Quả ngọt thứ hai chính là việc Indonesia đang dẫn chuyển đổi từ nước nhập khẩu vũ khí, thành nước xuất khẩu các sản phẩm quân sự sang quốc gia thứ ba. Với lợi thế về giá thành, các sản phẩm quân sự của Indonesia như xe tăng Tiger, tên lửa diệt hạm C-205, máy bay vận tải quân sự C-295… sẽ sớm có khách hàng quốc tế.
Quả ngọt thứ ba là việc nền công nghiệp quốc phòng Indonesia, nhất là công nghiệp phụ trợ đã đủ khả năng để biến đảo quốc này trở thành trung tâm hậu cần, kỹ thuật lớn cho nhiều hãng chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới.
Đối tác quan trọng và tiềm năng nhất chính là Nga. Indonesia từng tuyên bố sẽ mua tới 100 máy bay Sukhoi và nhiều sản phẩm quân sự khác của Nga. Đây chính là yếu tố quan trọng để Moscow phải "lại quả" bằng việc mở cơ hội hợp tác lắp ráp Su-35 tại Indonesia.
Hơn thế nữa, Nga còn sẵn sàng chi tới 3,1 tỷ USD để hỗ trợ Indonesia thành lập các trung tâm bảo dưỡng vũ khí, trang bị quân sự Nga cho toàn khu vực Đông Nam Á. Liệu sau Nga, cường quốc quân sự nào sẽ là quốc gia kế tiếp có mặt tại Indonesia?
So với nhiều mô hình phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa thất bại tại châu Á, Indonesia dường như đã lách qua nhiều khe cửa hẹp để có được những thành quả như ngày hôm nay. Mô hình này liệu có thành công ở nơi nào khác tại Đông Nam Á hoặc châu Á? Câu trả lời chắc vẫn phải là hãy chờ xem…
Theo Ngọc Huy (Soha/Trí Thức Trẻ)