Indonesia: Bùng phát biểu tình, hoãn sửa luật bầu cử

23/08/2024 15:30:43

Quốc hội Indonesia sẽ không thông qua các thay đổi đối với quy tắc bầu cử trong nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại, lãnh đạo Hạ viện nước này cho biết hôm 22/8 khi các cuộc biểu tình bùng nổ bên ngoài trụ sở; lực lượng an ninh phải dùng đến hơi cay và vòi rồng.

Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia Sufmi Dasco Ahmad nói với Reuters rằng các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong kỳ họp quốc hội tiếp theo, có nghĩa là các thay đổi sẽ không được áp dụng cho cuộc bầu cử năm nay hoặc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo - người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 10. Lực lượng an ninh đã bắn hơi cay và phun vòi rồng khi người biểu tình xông vào và đốt cháy một phần cổng trụ sở quốc hội. Truyền hình Indonesia đưa tin, các cuộc biểu tình bùng nổ khắp đất nước để phản đối kế hoạch thay đổi luật bầu cử.

Các đồng minh trong quốc hội của Tổng thống Jokowi tìm cách đảo ngược phán quyết của tòa án về luật bầu cử. Nếu thành công, điều này sẽ ngăn chặn một nhân vật chỉ trích chính phủ của ông ra tranh cử chức thống đốc Jakarta, đồng thời sẽ mở đường cho con trai út của ông tranh cử tại Trung Java vào tháng 11. Hôm 20/8, Tòa án Hiến pháp bác bỏ yêu cầu bỏ giới hạn độ tuổi để ngăn những người dưới 30 tuổi tranh cử chức thống đốc khu vực. Phán quyết này sẽ ngăn cản con trai út của Tổng thống Widodo, Kaesang Pangarep (29 tuổi), tranh cử khu vực tại Trung Java. Tòa án cũng đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các đảng phái chính trị đề cử ứng cử viên bằng cách giảm yêu cầu phải nắm giữ 20% số ghế trong cơ quan lập pháp địa phương.

Indonesia: Bùng phát biểu tình, hoãn sửa luật bầu cử
Ngày 22/8, cảnh sát chống bạo động cầm khiên, trong khi người dân biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Indonesia để phản đối sửa đổi luật bầu cử. Ảnh: Reuters

Quốc hội Indonesia hôm 21/8 thông qua một nghị quyết khẩn cấp về giảm độ tuổi tối thiểu để làm thống đốc xuống còn 30 tuổi vào thời điểm nhậm chức và tiếp tục nới lỏng các yêu cầu đề cử, đồng thời dự kiến phê chuẩn thay đổi luật bầu cử trong phiên họp toàn thể vào ngày 22/8.

Hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài trụ sở quốc hội mang theo các biểu ngữ cáo buộc Tổng thống Widodo đang phá hủy nền dân chủ, trong khi những người khác mang theo mô hình máy chém có khuôn mặt của ông. Các cuộc biểu tình bùng nổ bởi cuộc tranh giành quyền lực xem cơ quan chính phủ nào có thẩm quyền quyết định luật bầu cử.

Trước đó, Quốc hội Indonesia có kế hoạch thông qua các thay đổi vào ngày 22/8; điều này sẽ đảo ngược quyết định của Tòa án Hiến pháp hồi đầu tuần. Ban đầu, Quốc hội hoãn kế hoạch của mình giữa sự phản đối dữ dội, nói rằng phiên họp toàn thể không đạt đủ số đại biểu. Sau đó, Quốc hội chính thức tuyên bố tạm dừng kế hoạch vào cuối ngày 22/8.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa Quốc hội và Tòa án đã gây phẫn nộ khắp nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, với việc Tổng thống Jokowi đối mặt với sự chỉ trích gia tăng về những gì các nhà phân tích cho rằng đó là nỗ lực củng cố quyền lực trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 10 tới. Ông Jokowi đã phục vụ hai nhiệm kỳ tối đa, sẽ được thay thế bởi tổng thống đắc cử Prabowo Subianto vào ngày 20/10. Phó tổng thống đắc cử Gibran Rakabuming Raka chính là con trai cả của ông Jokowi.

Con trai cả của ông Widodo đắc cử phó tổng thống sau khi Tòa án Hiến pháp tạo ra một ngoại lệ với giới hạn độ tuổi cho vị trí này đối với các cựu lãnh đạo khu vực. Ngoại lệ được đưa ra khi em rể của Tổng thống Widodo, ông Anwar Usman, đang giữ chức Chánh án Tòa án Hiến pháp. Ông Usman đã bị chỉ trích vì tham gia vụ việc liên quan người thân cận và sau đó bị bãi nhiệm.

Theo Thái An (Tiền Phong)

Nổi bật