“Hội đồng thống đốc IAEA hoan nghênh đánh giá của Tổng giám đốc rằng không có dấu hiệu về các hoạt động hạt nhân chưa được khai báo hoặc những nguyên vật liệu có liên quan tới việc phát triển nhiều thiết bị phát tán phóng xạ (bom bẩn) ở ba khu vực thuộc Ukraine”, hãng tin TASS dẫn thông cáo của IAEA hôm nay (18/11) viết.
“Đồng thời, Hội đồng thống đốc IAEA cũng kêu gọi phía Nga ngay lập tức chấm dứt mọi hoạt động quân sự nhằm vào những cơ sở hạt nhân ở Ukraine. Chúng tôi khá lo ngại về áp lực không thể chấp nhận được đối với việc giữ các nhân viên điều hành Ukraine tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, và sự gián đoạn liên tục của nguồn cung cấp điện bên ngoài sau nhiều vụ pháo kích ở khu vực xung quanh”, thông cáo viết thêm.
Theo hãng tin TASS, Hội đồng thống đốc IAEA hồi tháng Chín từng thông qua nghị quyết trong một phiên họp kín để kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ở thời điểm đó, nghị quyết trên được 26 quốc gia tán thành và 7 nước bỏ phiếu trắng.
“Tình hình hiện nay ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là điều không thể chối cãi. Chúng ta cần phải có những biện pháp tạm thời để ngăn chặn sự cố hạt nhân có thể xảy ra từ các thiệt hại vật chất do phương tiện quân sự gây ra. Điều này có thể được thực hiện với việc thiết lập ngay một vùng an toàn và an ninh hạt nhân xung quanh khu vực nhà máy”, hãng tin Al Jazeera dẫn thông cáo được IAEA công bố vào đêm 6/9.
Hungary cảnh báo xung đột Nga-EU
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay (18/11) đã lên tiếng cảnh báo chính sách đối với Nga của Liên minh châu Âu (EU) là “nguy hiểm”.
“Hóa đơn năng lượng và tỷ lệ lạm phát tăng vọt ở Hungary đều do những biện pháp trừng phạt Nga được Brussels đưa ra. Đây là một bước tiến tới sự xung đột, khi ai đó can thiệp vào một cuộc xung đột quân sự thông qua các biện pháp kinh tế. Việc giữ một lập trường như vậy có thể nhanh chóng biến chúng ta trở thành những kẻ hiếu chiến”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời ông Orban phát biểu.
“Với việc cung cấp các vũ khí mang tính hủy diệt và huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ các nước thành viên thuộc EU, thì khối này đang tự đặt bản thân vào vòng nguy hiểm”, ông Orban nhấn mạnh.
Theo Cơ quan Thống kê Châu Âu-Eurostat, những tuyên bố của Thủ tướng Hungary Orban về việc lạm phát đang hoành hành ở quốc gia Trung Âu này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo số liệu được Eurostat cập nhật vào tháng trước, tỷ lệ lạm phát ở Hungary đã đạt 21,6%, mức cao nhất kể từ năm 1996, và cao thứ ba trong những quốc gia thuộc khối EU.
Theo Tuấn Trần (VietNamNet)