Vào thời điểm xảy ra vụ việc (ngày 15/11), Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đang ở Bali (Indonesia) để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 thì bị các trợ lý đánh thức lúc nửa đêm để báo tin.
Ông Biden đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda lúc 5h30’ (giờ địa phương). Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tham gia cuộc gọi sau đó. Dựa trên thông tin do phía Ba Lan cung cấp và “dữ liệu tình báo từ vệ tinh của Mỹ”, có thể thấy tên lửa “dường như được phóng bởi Ukraine”.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã lập tức “chĩa mũi dùi” vào Nga, mô tả đây là một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kêu gọi liên minh phản ứng.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã gọi điện cho những người đồng cấp Ba Lan và Ukraine, đồng thời cố gắng liên lạc với Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov, nhưng không được.
Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky cũng không điện đàm, bất chấp lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine.
Thay vào đó, Cố vấn Sullivan đã gọi điện đến văn phòng của Tổng thống Zelensky, kêu gọi các quan chức Ukraine “hành động thận trọng hơn” sau khi Kiev cáo buộc Mátxcơva tấn công Ba Lan.
Mỹ và Ba Lan đã nhanh chóng đồng ý hợp tác điều tra vụ việc. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ở Warsaw vào tối 16/11, ngay sau chuyến thăm Ukraine.
Tuy nhiên, vụ việc đã “tạo ra một số rạn nứt trong liên minh của phương Tây với Ukraine,” theo CNN. Các quan chức Ba Lan được cho là đã "thất vọng" với ông Zelensky khi Kiev tiếp tục khẳng định tên lửa không phải của Ukraine, trong khi cả Warsaw và Washington đều đưa ra thông tin trái ngược.
Sau khi bài báo của CNN được đăng tải, Tổng thống Zelensky đã dịu giọng và nói rằng “Kiev không biết chính xác 100% điều gì đã xảy ra”.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)